Fica
  1. Thời sự

Rời bỏ Trung Quốc, nhà đầu tư Mỹ - Âu muốn "bắt tay" với doanh nghiệp Việt

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Vừa qua một số doanh nghiệp Mỹ, châu Âu có tiếp cận thông tin doanh nghiệp Việt. Họ muốn hợp tác xây nhà máy để đón đầu cơ hội sau khi rời bỏ thị trường Trung Quốc.

 Cơ hội tăng giá trị gia tăng

Làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước khác đang diễn ra.

Việc dịch chuyển này đã không phải bây giờ mới xuất hiện, mà có từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Đến giờ, Covid-19 giống như “giọt nước làm tràn ly”, thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn.

Nói với Dân trí, ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Công ty CP Kết nối châu Âu - cho rằng cùng với cơ hội từ EVFTA, nếu tận dụng tốt “làn sóng thứ hai” này, nhiều ngành sẽ có hướng phát triển mới giúp tăng giá trị gia tăng, trong đó có ngành dệt may.

Ông Thành chia sẻ, hiện nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam chủ yếu làm gia công. Điểm tích cực mà ông Thành nhắc tới, đó là nhiều nước Mỹ, châu Âu đang tìm hiểu, lên kế hoạch xây chuỗi nhà máy cung ứng nguyên vật liệu, phụ liệu ở Việt Nam.

Rời bỏ Trung Quốc, nhà đầu tư Mỹ - Âu muốn bắt tay với doanh nghiệp Việt - 1

Nhiều "ông lớn" thế giới đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi dây chuyền sản xuất các thiết bị phần cứng của mình từ Trung Quốc về khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Cao Thăng/SGGP.

Vị doanh nhân trẻ cho biết, dịch Covid-19 vừa qua đã khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, bản thân các nhà đầu tư cũng nhận thấy không nên “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” nên tìm hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, tìm hiểu cơ hội ở những quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam...

“Vừa qua một số doanh nghiệp Mỹ, châu Âu có tiếp cận thông tin doanh nghiệp chúng tôi. Họ muốn hợp tác xây nhà máy để đón đầu cơ hội” - ông Thành nói.

Nếu tận dụng tốt được làn sóng đầu tư này, ông Thành tin rằng dệt may của Việt Nam sẽ bước sang trang mới, thoát khỏi cảnh chỉ làm gia công khâu đơn giản, tăng giá trị gia tăng ở các chuỗi.

Bản thân là người có kinh nghiệm trong làm ăn với các đối tác châu Âu, Mỹ, ông Thành nói: Đây là một cơ hội lớn để Việt Nam đưa các doanh nghiệp có công nghệ tối tân, cách làm việc khoa học, minh bạch, đàng hoàng.

“Họ không có thói quen “phong bao, phong bì”, muốn làm ăn với họ, bản thân chúng ta cũng phải thay đổi theo hướng tích cực hơn”, ông Thành chia sẻ.

Chủ động tiến công

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng nhận định làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc là cơ hội vô cùng lớn cho nền kinh tế Việt Nam bứt phá.

“Chúng ta đang là điểm đến an toàn khi dịch bệnh được kiểm soát rất tốt. Trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc lại. Hậu Covid-19 sẽ có sự dịch chuyển, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn chất lượng cao”, ông Lộc nhìn nhận.

Để tận dụng được cơ hội này, ông Lộc nhấn mạnh việc phải “chủ động tiến công vào chuỗi cung ứng mới, chứ không phải chỉ chờ họ tìm đến chúng ta để hình thành chuỗi giá trị”.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cũng kỳ vọng việc Việt Nam có những chính sách nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả để đón làn sóng đang dịch chuyển này.

Phải tìm hiểu rõ vì sao thời gian qua, luồng vốn từ châu Âu, Mỹ vào Việt Nam còn dè dặt, trong khi chúng ta vẫn nỗ lực thu hút họ, ông Toàn nhấn mạnh khi nói với Dân trí.

Tuy nhiên, song song với chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Toàn cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh sự phát triển doanh nghiệp nội địa. Có như vậy chúng ta mới “hoá rồng, hoá hổ” như nhiều chuyên gia nói được. Bên cạnh đó, đối với làn sóng này, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh đến yếu tố chọn lọc.

“Không thu hút tràn lan, chỉ ưu tiên những dự án công nghệ cao, có chuyển giao công nghệ” - ông Toàn nhấn mạnh và bày tỏ lo ngại là quy mô thị trường của Việt Nam còn nhỏ bé, đây là điểm bất lợi khi so với những thị trường quy mô rất lớn như Trung Quốc.

Trong khi đó, nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Eurolink cho rằng nhiều quy định chính sách, thủ tục hiện giờ vẫn là rào cản cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.

“Vẫn còn có những vướng mắc, khó khăn khi triển khai dự án, tiếp cận nguồn vốn. Cơ hội thì lớn nhưng rào cản vẫn còn nhiều”, ông Thành nhận định.

Nguyễn Mạnh