Fica
  1. Thời sự

Quyền lực vào tay, tiêu cực chung chi để hưởng ưu đãi

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Chính sách trao quyền tuỳ nghi quá lớn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, “tạo cơ hội cho tham nhũng tiêu cực, doanh nghiệp phải chung chi để được xác nhận đủ điều kiện được ưu đãi”.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá chính sách và thực trạng ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.

Theo VCCI, các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trong thu hút đầu tư của Việt Nam là rất hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Nhờ có chính sách thuế ưu đãi hấp dẫn cùng với giá công nhân và năng lượng thấp, thời gian qua Việt Nam đã thu hút được lượng lớn vốn FDI. Đến tháng 6/2018, tổng vốn đăng ký đạt 331,2 tỷ USD và vốn giải ngân lũy kế khoảng 180,7 tỷ USD.

Quyền lực vào tay, tiêu cực chung chi để hưởng ưu đãi
Các DN FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi đầu tư

Khu vực FDI đóng góp to lớn vào GDP, kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và góp phần vào nguồn thu ngân sách...

Các dự án FDI có giá trị cao vào Việt Nam có thể kể đến: Samsung (đầu tư gần 20 tỷ USD, xuất khẩu trên 50 tỷ USD/năm); Intel (1 tỷ USD vào nhà máy lắp rắp và thử nghiệm chip siêu nhỏ, sử dụng 3.000 lao động); LG (4 tỷ), GE, Mitsubishi, Sanofi, Panasonic...

Tuy nhiên, VCCI cho rằng hiện nay có tình trạng tách biệt giữa xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư với việc xây dựng kế hoạch ngân sách. “Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư dàn trải, lãng phí, gây xói mòn cơ sở thu ngân sách, dẫn đến việc Nhà nước buộc phải tăng thu từ những nguồn khác, gây phản ứng trong xã hội”, VCCI nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, VCCI cho rằng việc ưu đãi có thể được coi là biện pháp “mồi”, nhằm tạo lập, thu hút nhà đầu tư trong một giai đoạn nhất định. Sau một thời gian, nếu lĩnh vực, địa bàn đó đã có làn sóng đầu tư tốt, thì cần giảm bớt chính sách ưu đãi.

“Nếu lĩnh vực, địa bàn đó không có nhiều nhà đầu tư thì tức là biện pháp ưu đãi không hiệu quả, cần được nâng cấp hoặc điều chỉnh cho phù hợp hơn”, theo VCCI.

Chính vì thế nên đưa ra một nguyên tắc rằng các quy định về ưu đãi đầu tư chỉ có hiệu lực trong tối đa 5 năm kể từ khi ban hành (tức là chỉ áp dụng cho những dự án được cấp phép đầu tư hoặc bắt đầu nộp hồ sơ xin cấp phép đầu tư trong thời hạn đó).

Sau 5 năm, biện pháp ưu đãi đầu tư phải được gia hạn, hoặc nếu không sẽ tự động hết hiệu lực, không áp dụng cho các dự án mới nữa. Lưu ý, biện pháp ưu đãi có thể kéo dài hơn thời gian đó (ví dụ như miễn thuế 4 năm, giảm thuế trong 9 năm).

Tại một hội thảo về ưu đãi đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, đã phân tích một số yếu tố ảnh hưởng quyết định đầu tư. Ông Tuấn cho hay trước hết là thuế suất; thứ hai là chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; thứ ba là thủ tục đầu tư. “Khi chưa có thông tin gì chi tiết cụ thể thì đây là 3 yếu tố người ta quan tâm”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nêu thực trạng các chính sách ưu đãi thuế còn cứng nhắc, nhiều trường hợp nhà đầu tư không tận dụng được ưu đãi thuế nên giảm sức hút đầu tư. Lý do là cơ quan thuế địa phương yêu cầu các thủ tục hành chính rất phức tạp, không thống nhất, nhà đầu tư không thể thực hiện được.

Cùng chung nhận định, VCCI đánh giá, thời gian qua có tình trạng một số chính sách ưu đãi được ban hành nhưng không có quy định hoặc quy định không minh bạch về điều kiện và thủ tục để được hưởng ưu đãi. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc trong việc xin xác nhận đối tượng được hưởng ưu đãi.

Thậm chí, VCCI quan ngại có trường hợp chính sách trao quyền tuỳ nghi quá lớn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, “tạo cơ hội cho tham nhũng tiêu cực, doanh nghiệp phải chung chi để được xác nhận đủ điều kiện được ưu đãi”.

Kết quả là chính sách ưu đãi không phát huy được tác dụng, làm nản lòng những doanh nghiệp muốn đầu tư vào những lĩnh vực được khuyến khích.

Do đó, VCCI cho rằng các chính sách ưu đãi cần hết sức chú ý đến việc bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng về điều kiện, tiêu chí, thủ tục để được hưởng ưu đãi.

 

Cục Tài chính DN phát hiện “mặt trái của ưu đãi lớn” khi các DN FDI lợi dụng để “chuyển giá ngược”. Cụ thể, theo đơn vị này, xuất hiện việc chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nước “được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp” và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Theo Vietnamnet