Fica
  1. Thời sự

Quy hoạch Điện VIII sắp được trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt

Nguyễn Mạnh
Nguyễn Mạnh

Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII thống nhất kết luận Quy hoạch đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Ngày 30/3, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, hôm 18/3 đã chính thức diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Theo đó, Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII thống nhất kết luận Quy hoạch đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Tại cuộc họp ngày 18/3, Hội đồng đã họp lần 2 để bỏ phiếu thông qua báo cáo thẩm định Đề án Quy hoạch điện VIII và nội dung Đề án, Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Có 4 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa và 22 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung chỉnh sửa của Đề án.

Quy hoạch Điện VIII được thông qua sau một tháng xin ý kiến góp ý về dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương cũng đã tổng hợp các ý kiến góp ý chính và ý kiến giải trình của đơn vị Tư vấn lập Quy hoạch Điện VIII theo quy định tại Luật Quy hoạch.

Tại bản góp ý, Liên minh Năng lượng Việt Nam, một số tỉnh có quy hoạch nhiệt điện than và Đại sứ quán Đan Mạch đề nghị không phát triển thêm các dự án điện than mới trong Quy hoạch Điện VIII, nhất là trong giai đoạn 10 năm tới. Thay vào đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.

Đơn vị lập quy hoạch cho biết, quy mô các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng, đây là những dự án đã thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tốt, mà không thể loại bỏ.

Ví dụ như nhà máy nhiệt điện Nam Định I, Thái Bình II, Vũng Áng II, Vân Phong I, Duyên Hải II.... Sau 2035, hệ thống vẫn cần tiếp tục phát triển một phần nhỏ nhiệt điện than để đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng, giá điện không tăng quá cao.

"Quy hoạch Điện VIII đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than xây mới sử dụng công nghệ như sau: Trong giai đoạn 2021-2025, chỉ xây dựng công nghệ nhiệt điện than siêu tới hạn trở lên;

Giai đoạn từ 2025-2035, chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn (USC) trở lên, và sau năm 2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn cải tiến (AUSC)", đơn vị giải trình cho hay.

Để đáp ứng nhu cầu phụ tải với chi phí không quá cao, theo đơn vị lập quy hoạch - hệ thống vẫn cần phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện.

Nếu chọn phát triển nhiệt điện khí LNG, thay than thì sự phụ thuộc vào bên ngoài vẫn như vậy, và chỉ phụ thuộc vào loại hình khí LNG sẽ làm giảm mức độ an ninh năng lượng.

Ngoài ra, chi phí sản xuất điện của nguồn điện LNG khá lớn, giá điện sẽ tăng cao hơn nhiều (chi phí hệ thống sẽ tăng khoảng 2 tỉ USD/năm so với kịch bản chọn), không phù hợp với tiêu chí quy hoạch nguồn điện theo chi phí tối thiểu đã đặt ra.

Nguyễn Khánh

Tin liên quan