Mốc quan trọng cần nhớ để nhận tiền hỗ trợ Covid-19
Theo Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, sau khi nhận được danh sách người lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ do cơ quan bảo hiểm xã hội gửi mà thấy cần phải điều chỉnh thông tin, thì muộn nhất đến hết ngày 10/11/2021, các doanh nghiệp phải hoàn thành việc điều chỉnh thông tin để gửi lại danh sách cho cơ quan bảo hiểm xã hội, kèm theo hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh theo quy định.
Gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng từ Quyết định 28/2021/QĐ-TTg thực sự có ý nghĩa với người lao động và người sử dụng lao động.
Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách điều chỉnh, tức là vào khoảng 30/11/2021, cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp.
Như vậy, ngày 10 và 30/11 là 2 mốc thời gian quan trọng trong tháng 11 để người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nhận được tiền hỗ trợ Covid-19.
Trường hợp người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp sau ngày 30/11/2021 vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ thì phải tự làm thủ tục thông qua ứng dụng VssID, qua Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội, như đối với trường hợp người lao động đã nghỉ việc, dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời hạn tiếp nhận đề nghị hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 20/12/2021.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ của người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động, thời gian hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021. Khuyến khích chi trả thông qua tài khoản ngân hàng của người lao động. Trường hợp không chi trả hỗ trợ, cơ quan bảo hiểm xã hội thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ
Theo Nghị định 92/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, kể từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/12/2021, giảm thuế giá trị gia tăng đối với đối với các hàng hóa, dịch vụ sau đây:
-Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch.
-Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí.
Chi tiết hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế được thực hiện theo Phụ lục 1 Danh mục hàng hóa, dịch vụ được giảm mức thuế giá trị gia tăng ban hành kèm theo Nghị định 92.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng…
Vụ việc rõ ràng phải trả lời ngay cho công dân biết
Thông tư số 04/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân có hiệu lực kể từ ngày 15/11 quy định người tiếp công dân yêu cầu người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân. Trong quá trình tiếp người tố cáo, người tiếp công dân phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Khi công dân đến trình bày trực tiếp và không có đơn thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung trình bày của công dân.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp công dân định kỳ (Ảnh minh họa: Cổng TTĐT Bộ TN-MT).
Trường hợp nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung thì người tiếp công dân hướng dẫn họ cử người đại diện để trình bày, ghi lại nội dung và đề nghị người đại diện ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Đặc biệt, Thông tư 04 nhấn mạnh: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của mình hoặc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới.
Nếu vụ việc rõ ràng, cụ thể, có cơ sở và thuộc thẩm quyền giải quyết thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trả lời ngay cho công dân biết. Nếu vụ việc phức tạp cần nghiên cứu, xem xét thì nói rõ thời hạn giải quyết và người cần liên hệ để biết kết quả giải quyết.
Giữ bí mật thông tin của người tố cáo, nội dung tố cáo
Thông tư số 05/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11) quy định, đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì người xử lý đơn đề xuất với người đứng đầu chuyển đơn và các thông tin, tài liệu kèm theo (nếu có) đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Việc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền chỉ thực hiện một lần đối với đơn tố cáo có cùng nội dung.
Trong quá trình xử lý đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật thông tin của người tố cáo, nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật. Trường hợp người tố cáo đề nghị được bảo vệ thì người xử lý đơn báo cáo người đứng đầu xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đơn tố cáo đối với đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của Đảng.
Đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức thì người xử lý đơn phải kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất để người đứng đầu cơ quan áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền kịp thời áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
Thế Kha