Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải chia sẻ với báo Dân Trí những ý kiến xung quanh về chủ đề mà Dân Trí đang nêu ra là xu hướng quan chức "co rụm", "cầu an" vì sợ trách nhiệm, sợ sai; sếp doanh nghiệp Nhà nước "cầu thân", "phòng thủ" không dám làm, sợ trách nhiệm khiến nền kinh tế có điểm nghẽn vì năng lực yếu kém của cán bộ. Dân Trí xin trích đăng bài phỏng vấn đến độc giả.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Thưa bà, thời gian vừa qua, có rất nhiều chính sách, Nghị định, Nghị quyết về cải cách doanh nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, cải cách hành chính công... ra đời về cải cách, tái cơ cấu, đổi mới.... nhưng rồi kết quả thấp. Đâu vẫn vào đấy, dường như chính sách không đúng thực tế hay bên dưới không làm?
- Chính phủ và Quốc hội đưa ra rất nhiều chính sách, Nghị quyết là thể hiện muốn đốc thúc làm vấn đề. Tuy nhiên, sự chuyển dịch là vô cùng chậm. Tôi nghĩ đây là tình trạng kéo dài lâu rồi và cũng do kỷ cương thực hiện chính sách của quan chức Nhà nước là không nghiêm mới để xảy ra nhờn luật, nhờn chính sách.
Có một thực tế là công chức vào Nhà nước rồi thì làm hay không làm không sao cả, thậm chí những người nào làm hăng hái, tích cực thì nhiều khi dễ bị va chạm, vô tình không đúng quy định thì có tội, còn người làm ít không sao hết.
Hiện nay, người vào Nhà nước được biên chế gần như suốt đời thì tạo ra cho một số người có mưu cầu cho bản thân họ. Nếu làm cái gì có lợi cho mình mà an toàn thì họ làm ngay; còn cái gì có lợi mà không an toàn cho mình thì đắn đo thêm một chút; cái gì không an toàn, không lợi cho mình thì họ không lựa chọn. Mà trong hệ thống của Việt Nam, không làm thì cũng không làm sao cả, cho nên họ chọn những giải pháp an toàn hơn.
Tôi cho rằng, hiện nay, ngay cả việc phá sức ì trong bộ phận công chức chúng ta cũng rất khó khăn, nan giải chứ không nói gì đến chuyện kỷ luật, quy trách nhiệm người đứng đầu, người liên quan. Để quy trách nhiệm, kỷ luật, đưa ra khỏi Nhà nước là rất khó khăn, nhiều khâu, thậm chí kỷ luật một người còn phải xét đến gia đình, nhân thân làm yếu tố giảm tội.
Làm ở nhà nước, dù có phân công công việc nhưng bản mô tả công việc không rõ ràng, không minh bạch, không quy trách nhiệm giải trình, khiến cho công chức nhờn luật.
Giải trình sai phạm hiện rất khó khăn để quy trách nhiệm của từng cá nhân. Có công thì có thể có ai đứng đầu nhận lấy, còn trách nhiệm thì thường là chia đều cả tập thể.
Quan điểm, công chức tốt, có năng lực thường được xem là có đạo đức tốt, nhưng không làm, hưởng lương trọn vẹn, nhà nước và dân vẫn phải đóng thuế thì là phi đạo đức. Tình trạng này không thiếu!
Phải chăng những chính sách siết chặt kỷ luật đang khiến người ta sợ, không làm gì, hay do năng lực của cán bộ Nhà nước hiện nay yếu kém, không dán dấn thân thưa bà?
- Chống tham nhũng là rất tốt, cần thiết nhưng tôi rất chờ đợi chống tham nhũng căn cơ hơn, mang tính chất phòng ngừa cao hơn. Chúng ta cần phải rà soát lại các quy định tại sao những người lãnh đạo cao như thế họ lại tham nhũng được. Tại sao có nhiều chính sách như thế, quản lý như thế họ lại tham nhũng được.
Cần có rà soát lại chính sách để làm sao xem xét ra những người có dám dấn thân cho nền kinh tế họ đứng lên.
Quá trình đổi mới của chúng ta trước đây cũng bắt nguồn từ việc xé rào, mạnh dạn, vượt qua khuôn khổ quy định cũ, kìm hãm phát triển.
Phải có những người có tư duy xé rào nền kinh tế hiện nay cần có những quy định để giúp những người có tư duy đổi mới, dám làm, dám dân thân. Nếu không rà soát chính sách hay pháp luật để như hiện nay, bất cứ lúc nào người hùng cũng dễ dẫn đến thành kẻ tội đồ và người dám dân thân sợ hãi, chùn chân.
Pháp luật chồng chéo, có nhiều cơ chế chưa tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, quan điểm xét lại trong khá nhiều vấn đề đã, đang khiến nhiều quyết định về doanh nghiệp Nhà nước gặp khó khăn. Đơn cử chuyện bán vốn Sabeco sau khi bán cho người Thái, có nhiều người cho rằng Nhà nước mất vốn vì bán quá rẻ?
- Theo tôi, nếu áp dụng nguyên tắc thị trường trong các quyết định bán vốn, cổ phần hóa thì cần tuân thủ theo nguyên tắc thị trường ngay cả ở chuyện bán vốn và định giá cũng vậy.
Hôm nay có thể bán được giá cao, mai có thể giá thấp hoặc ngược lại, chúng ta phải tuân thủ sao cho người thực hiện làm đúng trách nhiệm của mình, không nên xét lại những việc họ đã cố gắng làm và làm tốt nhất.
Ngay cả với cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước nếu tuân thủ theo nguyên tắc thị trường thì cũng phải theo nguyên tắc, cách đánh giá của thị trường. Nếu ở trong thời gian khác, điều kiện thị trường nó khác thì không thể nói được.
Hiện chúng ta có 12 dự án thua lỗ, Chính phủ kêu gọi tư nhân và nước ngoài tham gia vào tái cơ cấu, giải cứu. Mới đây, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 tỷ USD, vướng mắc đến sai phạm của ngành dầu khí nên dự án đang nằm chờ vốn, đại PVN kêu gọi Nhà nước cho họ cơ chế, bật đèn xanh giải cứu dự án này. Theo bà ở các dự án lớn, các công trình trọng điểm chúng ta nên có những cơ chế chính sách riêng, đặc biệt để phát triển, hoặc đối với 12 dự án trên là để giải cứu hay không?
- Tôi nghĩ nên giao cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, cơ quan độc lập đứng ra để họ cho ý kiến thì sẽ ở vị trí khách quan hơn đối với các dự án lớn. Còn nếu đáp ứng tiếp các nhu cầu của chủ đầu tư thì phải làm sao không đổ thêm tiền vào sai phạm hoặc tạo điều kiện cho họ che chắn cho các sai phạm.
Đối với Nhiệt điện Thái Bình, trường hợp cụ thể này, Chính phủ nên lắng nghe nhiều bên, cả từ chủ đầu tư để tránh lặp lại hệ quả, nhanh chóng giải cứu dự án và đặc biệt là cần rõ ràng trách nhiệm các bên để xử lý gốc rễ vấn đề do ai, vì ai để xảy ra vụ việc và phải xử lý nghiêm minh.
Còn đối với các trường hợp khác, theo tôi đã lập nên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thì Chính phủ nên đặt đầu bài, giao cho họ để họ tỏ rõ năng lực và trách nhiệm của mình.
Cần có con người đặc biệt, có tính chất đột phá đi trước cả quy định, luật lệ, thậm chí cho phép sai phạm sớm nhất có thể miễn sao họ toàn tâm, toàn ý muốn giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, của doanh nghiệp đó.
Tiến trình phát triển của bất kỳ quốc gia nào, thậm chí của doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh, cũng có những dự án, chính sách ra chưa hợp lý, sai phạm nhưng họ có kịch bản để ứng phó, kịch bản để khắc phục cái sai để tìm ra con đường đi đúng đắn hơn.
Tư nhân trong hoạt động kinh doanh bao giờ cũng có rủi ro nhất định, nhưng nếu không dám chấp nhận rủi ro thì không có thành công.
Từ chính sách đến thực thi của Việt Nam hiện nay khá xa vời, hiệu quả chính sách "ngấm" vào nền kinh tế còn khá chậm. Tuy nhiên, ở một khía cạnh tiêu cực hơn là hệ quả, thì những chính sách, quyết định tác động ngay lập tức vào đời sống kinh tế, gây thiệt hại cho doanh nghiệp ngay. Đơn cử như dự án BT, khi Bộ Tài chính thay đổi chính sách giao đất cho doanh nghiệp đã khiến chủ đầu tư thiệt hại? bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Chính sách tiêu cực bao giờ cũng lan truyền và tác động một cách nhanh chóng vào nền kinh tế, còn những cái tốt đẹp thì công chức không chịu thực thi thì lấy đâu ra hiệu quả.
Chuyện liên quan đến dự án BT do chúng ta thực hiện một thời gian dài kiểu chính sách dò đường, đưa ra chính sách nhưng thả cửa cho doanh nghiệp làm, không có ràng buộc thậm chí tạo kẽ hở cho các bên hưởng lợi.
Vấn đề của BT có liên quan đến sai phạm của các dự án BOT thời gian qua, chính vì thế hệ quả tác động này là lớn và có tác động trực tiếp đến các hình thức đầu tư khác. Tôi cho ràng, các nhà làm luật đã tạo kẽ hở để sai phạm hoặc chưa lường hết sự phức tạp của thị trường, của doanh nghiệp, khiến chính sách quá ngây thơ, phải sửa đổi, ban hành quá nhiều chính sách chắp vá khác.
Tôi nghĩ, nên có những chế tà quy định trách nhiệm của những người soạn thảo luật pháp, chứ cứ kéo dài tình trạng chính sách ra đời một vài năm phải sửa hoặc không sát thực tế không những gây hiệu quả kém mà còn kìm hãm nền kinh tế đất nước.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)