Ngày hội có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban dân vận Trung ương - Trương Thị Mai.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định thông qua đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Đảng và Nhà nước kỳ vọng sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và khơi gợi khát vọng khởi nghiệp cho HSSV.
“Việt Nam là một đất nước có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trên thế giới nhưng chúng ta không được quên, Việt Nam vẫn là quốc gia có mức thu nhập bình quân thấp.
Muốn đưa đất nước mình trở thành quốc gia giàu mạnh thì không thể nào đợi một nước khác đến làm giàu cho Việt Nam được, nhất định chúng ta phải tự giàu lên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại ngày hội.
Theo Phó Thủ tướng, các thầy cô giáo, kể cả những nhà giáo lão thành phải trở lại để thay đổi và cùng hướng dẫn, thi đua với các em ngay trong giảng dạy, ngay trong tổ chức công việc để thực hiện bài học tự chủ, phải làm ra tri thức mới thay vì chỉ truyền thụ.
“Chúng ta đã có quá trình dài và cơ bản trong trường đại học là ít nghiên cứu khoa học hơn so với thế giới; dạy theo giáo trình sẵn được duyệt; phổ biến kiến thức cho HS, SV và tự đặt mình cao hơn HS, SV về trí tuệ hay các trường đại học thụ động nhận bao cấp. Tất cả những thứ đó đã có thay đổi nhưng cần phải mạnh mẽ hơn nữa”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp sẽ trở thành “bà đỡ” cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ, giúp đỡ cho các em HSSV đưa nhưng ý tưởng đó đến gần hơn với thực tiễn.
Phó Thủ tướng chia sẻ: “Trong hơn 600.000 doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay, theo các tiêu chí thông thường của thế giới, chúng ta mới có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Vậy phải làm sao để tạo ra thật nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vì chỉ có con đường đó mới đưa đất nước phát triển lớn mạnh được.
Chúc tất cả các bạn sinh viên, các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hãy mang tinh thần khởi nghiệp sáng tạo thì chúng ta sẽ làm được nhiều điều mà từ trước đến nay tưởng chừng như không thể làm được”.
Trưởng ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Bí thư TƯ Đoàn - Chủ tịch Hội SV Việt Nam Bùi Quang Huy và Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân bấm nút khai mạc ngày hội.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam nói chung, phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên nói riêng ngày càng phát triển. Sau 1 năm triển khai Đề án 1665, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành Giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực".
Theo Bộ trưởng Nhạ, để khởi nghiệp thành công cần nhiều yếu tố, trong đó đam mê và sáng tạo là các yếu tốt rất quan trọng.
Trong môi trường đại học, nơi mà hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn kết chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau và đặc biệt là ở đó hội tụ các sinh viên trẻ với sức sáng tạo, nhiều ý tưởng và nhiệt huyết, sẵn sàng đối mặt và chinh phục các thử thách mới, sẽ khơi nguồn và ươm tạo những ý tưởng khởi nghiệp thành công.
Sinh viên khởi nghiệp không chỉ góp phần tạo ra việc làm cho bản thân mà còn giúp tạo nhiều việc làm cho người khác, tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước vững tin trên con đường hội nhập cùng thế giới.
“Với trách nhiệm của mình, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các địa phương, các tổ chức hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nhân, các nhà đầu tư và chỉ đạo các nhà trường tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp của Đề án 1665 nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, sinh viên được học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp để phát huy tối đa tài năng, năng lực của bản thân tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị cho cộng đồng, xã hội.
Các trường đại học cần tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, gắn với các hoạt động thương mại hóa và khởi nghiệp để sớm tạo ra những trường đại học theo định hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đóng góp nhiều hơn vào hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho HSSV năm 2018 đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo không chỉ của các bạn HSSV, các thầy cô giáo đến từ các cơ sở giáo dục đào tạo mà còn của các tổ chức, doanh nghiệp. Ngày hội có nhiều hoạt động thú vị và ý nghĩa như khu trưng bày, triển lãm các sản phẩm, dự án từ ý tưởng khởi nghiệp của HSSV.
Tham gia ngày hội, em Trần Anh Tuấn – học sinh lớp 12A1, THPT Phúc Trạch tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Được tham gia các ngày hội như thế này giúp cho chúng em có suy nghĩ, định hướng, tư duy về việc làm của mình sau này, bắt đầu có định hướng cho tương lai và chú tâm trau dồi các kỹ năng chuẩn bị cho nghề nghiệp”.
Các sản phẩm từ ý tưởng khởi nghiệp được trưng bày tại triển lãm.
Nhằm khơi gợi và tạo động lực thúc đẩy khởi nghiệp cho HSSV, ngày hội đã tổ chức diễn đàn “Nguồn cảm hứng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên”; hội thảo “Nghiên cứu khoa học, ươm tạo khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học”; hội thảo “Định hướng xây dựng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0”.
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho HSSV năm 2018 không chỉ là dịp để các em HS, SV được khám phá bản thân và thể hiện những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo mà đây còn là cầu nối giữa các ý tưởng sáng tạo với các tổ chức, doanh nghiệp để có những hỗ trợ và giúp đỡ các em đưa những ý tưởng đó trở thành hiện thực.
Hồng Nhung