Diễn đàn liên chính phủ về GTVT bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 (EST12) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28-30/10, với sự tham gia của 335 đại biểu và quan chức Chính phủ các nước thành viên EST và 25 quốc gia châu Á, các học giả nghiên cứu, chuyên gia của Liên hợp quốc.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Diễn đàn EST 12 (ảnh: Đoàn Bắc)
Tại Diễn đàn, đề tới hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam đã ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là các công trình trọng điểm mang tính kết nối đồng bộ đã được hoàn thành, khai thác đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Phó Thủ tướng, việc tổ chức giao thông có nhiều đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần cải thiện giao thông đô thị, bảo đảm an toàn, giảm ùn tắc. Ngoài ra, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; thúc đẩy ứng dụng năng lượng mới, phát triển giao thông thông minh.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng đô thị lớn tuy đã được ưu tiên đầu tư phát triển nhưng vẫn đang là điểm nghẽn rất lớn, cản trở sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì Diễn đàn (ảnh: Đoàn Bắc)
“Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã được tập trung đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ. Việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải tại các đô thị lớn còn chậm so với nhu cầu phát triển, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông đô thị còn thấp.
Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện cá nhân liên tục tăng nhanh tại các đô thị, giao thông công cộng phát triển còn chậm, chưa tương xứng, sự kết nối giữa các loại hình giao thông còn chưa hiệu quả.” - Phó Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chinh phủ nhấn mạnh, việc tổ chức giao thông, quản lý phương tiện vận tải mặc dù đã có nhiều tiến bộ song chưa đáp ứng được yêu cầu, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, gia tăng ô nhiễm môi trường, làm giảm chất lượng đời sống của người dân.
Tuy là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu, nhưng năng lực ứng phó kịp thời, hiệu quả, chủ động với biến đổi khí hậu và thiên tai của Việt Nam còn hạn chế.
Các đại biểu quốc tế tham dự Diễn đàn EST 12 tại Hà Nội (ảnh: Đoàn Bắc)
Phó Thủ tướng mong muốn sự gắn kết vai trò của chính quyền địa phương và của cộng đồng trong việc phòng ngừa, hạn chế sự gia tăng nhu cầu tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông tại các thành phố.
Các địa phương cùng thúc đẩy các giải pháp giao thông thông minh bằng cách tích hợp mạng lưới quản lý giao thông hiệu quả như: Phát triển giao thông công cộng, thúc đẩy giao thông phi cơ giới kết hợp với tối ưu mạng lưới đường đô thị; ứng dụng công nghệ bãi đậu xe thông minh; quản lý nhu cầu vận tải bằng các giải pháp công nghệ.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng cần thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư (PPP) để thu hút nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; đổi mới cơ chế tài chính và cơ hội đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, thông minh, chất lượng và có sức chống chịu với biến đổi khí hậu, nhằm mang lại hiệu quả cho các thành phố và các vùng ven đô.
Châu Như Quỳnh