Theo đó, ông Nguyễn Trường Thành - nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ tố cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng buông lỏng quản lý, để doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng và xây dựng nhiều công trình trái phép trên hàng chục héc ta rừng đặc dụng, chiếm đường dân sinh để sử dụng riêng cho việc khai khoáng.
Các vi phạm nêu trên có sự bao che của chính quyền tỉnh Thái Nguyên. Việc khai thác vàng sa khoáng trái phép và bán 3 cơ sở nhà đất tại trung tâm thành phố Thái Nguyên đã gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh về thực trạng rừng đặc dụng Thần Sa bị xâm hại nghiêm trọng để phục vụ việc khai thác vàng suốt thời gian qua.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung tố cáo của ông Nguyễn Trường Thành và phản ánh của báo chí, có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, trả lời người tố cáo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trước ngày 15/11/2018.
Rừng đặc dụng Thần Sa đang bị xâm hại bởi hoạt động khai thác vàng (Ảnh: V.H).
Như Dân trí đã thông tin trước đó, mới đây đoàn cơ quan liên ngành tỉnh Thái Nguyên do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên chủ trì vừa đưa ra những kết luận bước đầu.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long đã xây dựng khu vực văn phòng trên diện tích 1,67 ha, đồng thời xây dựng một khu tâm linh gồm đình, đền, chùa Bản Ná với diện tích khoảng 0,12 ha. Công ty đã tự ý mua bán, chuyển nhượng nhà đất của 4 hộ dân, hiện tại cũng chưa có hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác.
Đặc biệt, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện trong quá trình khai thác Công ty Thăng Long đã đổ thải (phế liệu từ hoạt động khai thác vàng) ra ngoài phạm vi cấp phép khai thác mỏ lên diện tích rừng khoảng 5,78ha, trong đó có 5,30 ha là rừng đặc dụng, còn lại là quy hoạch các loại rừng khác.
Báo cáo mới nhất của đoàn liên ngành thể hiện diện tích bị xâm hại tổng cộng khoảng 12,25 ha, trong đó có hơn 11 ha rừng đặc dụng Thần Sa.
Sau khi báo chí phản ánh, đoàn thanh tra của Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổng cục Địa chất- Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang vào cuộc làm rõ việc mở đường đi xuyên giữa rừng đặc dụng Thần Sa (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên).
Ngoài ra, đoàn công tác cũng sẽ làm rõ hiện trạng quy hoạch các loại rừng trong khu bảo tồn và việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản tại đây.
Công trình xây dựng trái phép, vi phạm các quy định hiện hành trong rừng đặc dụng Thần Sa.
Đáng chú ý, ngày 30/3/2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 03 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản, trong đó nhấn mạnh “không cấp phép mới thăm dò, khai thác vàng sa khoáng”; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ (?!). Thế nhưng khi giấy phép của Công ty Thăng Long chỉ còn thời gian ít ngày là hết hạn thì ngày 29/5/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên bất ngờ ký quyết định gia hạn khai thác cho doanh nghiệp này với tổng khối lượng lên tới 170.254m3 cát quặng; công suất khai thác 25.000 m3 cát quặng/năm.
Chưa kể toàn bộ phần diện tích khai thác mỏ vàng sa khoáng rộng hàng chục ha trùm hoàn toàn lên cánh đồng Khắc Kiệm vẫn chưa có bất kỳ hoạt động khai thác nào cho đến thời điểm hiện tại. Thông tin mới nhất từ UBND huyện Võ Nhai cho biết, mỏ vàng Khắc Kiệm nếu được triển khai sẽ phải thu hồi hoàn toàn 25ha đất trồng lúa của người dân nơi đây.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, những dấu hiệu xung quanh việc doanh nghiệp khai thác vàng ngoài lộ giới cho phép và quy trình cấp giấy phép mỏ vàng khu vực Bản Ná, cánh đồng Khắc Kiệm và nam Khắc Kiệm cũng sẽ được làm rõ.
Thế Kha