Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.
Đó là một trong những nhận định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, Triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm được Bộ Tài chính tổ chức trong sáng nay (12/7).
Cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng, dịch tả lợn châu Phi hoành hành trong 6 tháng đầu năm nay khiến tăng trưởng nông nghiệp sụt giảm mạnh, rất khó khăn.
“Trong 6 tháng đầu năm, nước ta chi 2.900 tỷ đồng trong ngân sách dự phòng trung ương cho những công việc cấp bách của địa phương trong đó có cả cho dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng chủ động đề xuất chi số tiền kha khá, là 1.200 tỷ đồng cho gần 60 tỉnh để phòng và dập dịch tả lợn châu Phi để giảm thiểu thiệt hại”, Phó Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh đó, ông Vũ Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng cũng cho biết, tại địa phương này, dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp, chưa được khống chế.
“Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng thấp (+0,11%) do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi trên địa bàn thành phố, làm giá trị tăng thêm của nhóm nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan giảm 2,68% so với cùng kỳ năm trước”, ông Bình nói.
Trong đó, dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố Hải Phòng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tổng đàn lợn tiếp tục có xu hướng giảm nhanh, giảm mạnh; ước tính tháng 6/2019 đàn lợn đạt 145,1 nghìn con, giảm 64,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết có dấu hiệu rằng thu ngân sách 6 tháng cuối năm chậm lại.
Ông Dương Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Thái Nguyên cho biết, dịch tả lợn xuất hiện tại đây từ tháng 3/2019, tốc độ lây lan và thiệt hại do dịch bệnh gây ra là rất nặng nề.
Tại Hội nghị, báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết đến hết tháng 6/2019, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó thu nội địa, thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, “3 khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân đều đóng góp thu ngân sách cao hơn cùng kì nhưng có dấu hiệu chậm lại. Bộ Tài chính đang phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, nhận định về việc dải ngân vốn ODA, Bộ trưởng cho biết tốc độ dải ngân, đầu tư công còn chậm. “Để giải quyết vấn đề này cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ban ngành và Thủ tướng chỉ đạo, quyết định”, ông Dũng nói thêm.
Hồng Vân