Trong hai ngày 8/5 và 9/5, có mặt tại đèo Hải Vân, chúng tôi nhận thấy số lượng xe ô tô đi đèo Hải Vân rất nhiều với nhiều loại xe khác nhau như xe chở hàng, xe bán tải, xe container, và nhiều nhất là các xe ô tô 5 chỗ, 7 chỗ.
Nhiều xe đi đèo Hải Vân thay vì hầm vì phí qua hầm tăng cao.
Trao đổi với chúng tôi, anh T. (lái xe chở hàng chuyên tuyến Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế) cho biết: "Từ khi nghe tin phí qua hầm Hải Vân tăng từ ngày 1/5, cánh lái xe chở hàng chúng tôi lại thêm một khó khăn nữa. Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thời điểm này làm ăn kinh tế khó khăn mà lại tăng phí qua hầm thì thực sự những người lao động như chúng tôi rất khó làm ăn được".
Anh T. cho biết, tính đi tính lại, mỗi chuyến hàng, anh chỉ lãi được khoảng vài trăm nghìn đồng. Song trừ chi phí xăng xe, còn phải đóng tiền tại trạm thu phí thì tiền thu về không được bao nhiêu. Hiện tại, giá vé tăng, nếu qua hầm thì không còn lãi bao nhiêu nên anh chọn đi đèo. "Thà là mất thời gian vận tải hàng hóa hơn, nhưng tính ra vẫn còn tiền để trang trải cuộc sống", anh nói.
Theo nhiều tài xế, thời gian đi qua đường đèo sẽ lâu hơn nhưng lại tiết kiệm chi phí so với đi qua hầm.
Anh H ., chủ một ô tô 5 chỗ, cũng bày tỏ, tăng phí ở hầm Hải Vân giai đoạn này chưa hợp lý. Theo anh, tình hình dịch đang còn phức tạp và việc làm ăn của người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Chi phí qua hầm cho 2 lượt đi và về hết 220.000 đồng là mức tương đối nên anh chọn đi đèo, dù xa hơn nhưng đỡ một phần.
Rất nhiều xe ô tô chọn đi đường đèo, tránh qua hầm Hải Vân để đỡ tốn phí qua trạm phía bắc hầm Hải Vân.
Cứ vài phút là có xe lưu thông qua đèo.
Xe nối đuôi nhau trên đường đèo.
Xe di chuyển từ địa phận Đà Nẵng đang đổ đèo Hải Vân xuống Thừa Thiên Huế.
Tăng phí qua hầm Hải Vân được áp dụng từ ngày 1/5 khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe tư nhân, xe dịch vụ... lên tiếng phản ứng.
Như Dân trí đã đưa tin, Tập đoàn Đèo Cả - chủ đầu tư dự án hầm Hải Vân - mới đây thông báo, từ 1/5 sẽ tăng phí dịch vụ tại trạm Bắc Hải Vân đối với ô tô qua hầm Hải Vân. Mỗi loại xe có mức tăng riêng. Mức tăng cao nhất tăng lên đến 77%.
Đáng chú ý, cách đây hơn một năm, từ 9/2019, tại trạm thu phí Bắc Hải Vân, phí dịch vụ đã điều chỉnh tăng gần như gấp đôi do thu phí luôn cho hầm Phước Tượng và hầm Phú Gia tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải dời thời điểm tăng giá vé qua hầm từ 1/5 qua 1/6, với lý do "kinh tế đang trong quá trình phục hồi, cần có lộ trình tăng phí hợp lý". Tuy nhiên tỉnh vẫn chưa nhận được phản hồi. Đồng thời, trạm thu phí Bắc Hải Vân vẫn tăng giá vé từ 1/5.
Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, trước khi đồng ý cho trạm thu phí Bắc Hải Vân tăng phí thu các phương tiện từ ngày 1/5, Bộ Giao thông vận tải không lấy ý kiến của tỉnh về vấn đề này. Bên cạnh đó, UBND tỉnh không nhận được văn bản trao đổi về lộ trình tăng giá vé tại trạm thu phí Bắc Hải Vân từ chủ đầu tư dự án.
Hoàng Hải - Đại Dương