Nghị quyết nêu rõ, Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước).
Xuất khẩu khẩu trang phải có giấy phép (ảnh minh họa) |
Không áp dụng quy định trên đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 1/3/2020.
Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ban hành hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 và hướng dẫn về tiêu chuẩn khẩu trang y tế.
Chính phủ giao Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) phối hợp giám sát việc xuất khẩu khẩu trang y tế. Các cơ sở sản xuất có trách nhiệm báo cáo về năng lực sản xuất theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, khẩu trang được xem là mặt hàng thiết yếu của mỗi gia đình, người dân để phòng chống dịch, chính vì vậy rất khan hiếm và đắt đỏ.
Bình thường khẩu trang chỉ có giá từ 35 đến 45.000 đồng/hộp 50 chiếc, nhưng khi thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, mặt hàng này tăng giá lên 90.000 đồng, đến 300.000 đồng/hộp, khiến rất nhiều người dân không thể mua được.
Mặt hàng khẩu trang cũng được các doanh nghiệp thu gom, cá nhân lợi dụng xuất khẩu sang nhiều nước đang khan hiếm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để trục lợi.
Mới đây, Nhật Bản đưa mặt hàng khẩu trang vào danh sách hàng dự trữ chiến lược của nước này. Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho biết người dân không nên hoang mang trước thông tin khan hiếm khẩu trang, Chính phủ sẽ phát miễn phí mặt hàng này tại các khu, điểm công cộng và khi nào người dân có nhu cầu.
An Linh