Ông Cung cho rằng: Cách mạng công nghệ lần thứ 4 (Cách mạng 4,0 đang diễn ra khắp trên thế giới, và ngay cả ở Việt Nam chúng ta cũng đã và đang thấy chúng.
"Chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn, hành động hơn thay vì chỉ là tuyên bố khẩu hiệu tiếp nhận, nắm bắt. Chúng ta cũng cần bắt đầu từ tư duy, thể chế, hạ tầng để đón nhận chúng thay vì các cấp, ngành bo bo giữ chính sách", ông nói.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Viện trưởng CIEM thừa nhận: Nếu cứ tư duy thiếu thị trường, tư duy chỉ mới ở thời 1.0, 2.0 mà áp dụng cho xu thế kinh tế vận hành kiểu 4.0 như hiện nay thì sẽ đẩy những ai có ý tưởng, có sáng tạo Cách mạng 4.0 đi chứ không phải kéo Cách mạng 4.0 ở lại quê hương.
Theo TS Cung: Khi hô hào người nước ngoài về Việt Nam, thì trước tiên phải nghĩ làm sao để tận dụng trí tuệ của người Việt Nam trong nước khi thừa nhận và phát triển các phát kiến của họ. Đừng hy vọng nhiều vào tìm kiếm sự đóng góp của những người đang ở ngoài Việt Nam.
"Chừng nào có chính sách giữ người tài ở lại Việt Nam chứ không phải kiểu phải đẩy họ sang Singapore, thì lúc đó chúng ta mới có cơ hội kéo những người khác về Việt Nam", ông Cung nhấn mạnh.
Nếu những người tài vẫn dời VN ra đi, start up vẫn ra đi thì chưa thể kéo người tài ở nước ngoài ở Việt Nam. Huy động nguồn lực, người tài cho phát triển thì phải nhìn từ nguồn nhân lực ở Hà Nội, TP HCM hơn là trông ngóng từ Thung lũng Silicon (Mỹ).
Ông Cung thừa nhận: Giai đoạn 2021 – 2030 chúng ta phải hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, kinh tế số, tận dụng cơ hội Cách mạng 4.0.
Giai đoạn này phải chấm dứt tình trạng "kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi". Nói mãi đang trong quá trình chuyển đổi chỉ là để thể hiện hoặc biện minh cho cổ hủ, cho sự kém cỏi, yếu kém của chính mình với thế giới.
"Chỉ có thị trường, thị trường và thị trường hơn nữa mới tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển. Còn nếu cứ kìm hãm thị trường như hiện nay thì sẽ không có dư địa cho tăng trưởng”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng đề nghị: Sau nhiều năm tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta cần có cơ quan độc lập đánh giá lại thực trạng và hiệu quả của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong chỉ tiêu tái cơ cấu, cần làm rõ chúng ta đã phải bỏ ra chi phí bao nhiêu để tái cơ cấu, số tiền là bao nhiêu. Cái này rất quan trọng và cực kỳ cần thiết.
Bên cạnh đó, cũng làm rõ chi phí cơ hội của tái cơ cấu, chuyển đổi. Làm rõ nếu chúng ta chậm ban hành hoặc không sửa đổi chính sách thì sẽ kéo giảm sự phát triển đất nước như thế nào?
Chúng ta cũng cần làm rõ 4 điểm so sánh với thế giới là: Chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực kinh doanh, đổi mới sáng tạo và chi phí logistics, để từ đó làm rõ khoảng cách của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.
Nguyễn Tuyền