Fica
  1. Thời sự

Ông Vương Đình Huệ với loạt dấu ấn trên lĩnh vực kinh tế

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Với học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ Kinh tế, ông Vương Đình Huệ để lại nhiều dấu ấn tại những vị trí mà ông đảm nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Trong sáng nay (31/3), Quốc hội bỏ phiếu bầu ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia với tỷ lệ tán thành ở mức tuyệt đối.

Trước khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII, XIII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII, đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV.

Với học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ Kinh tế, ông Vương Đình Huệ để lại nhiều dấu ấn tại những vị trí mà ông đảm nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Ông Vương Đình Huệ với loạt dấu ấn trên lĩnh vực kinh tế - 1

Ông Vương Đình Huệ có kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực kinh tế, phong cách điều hành quyết liệt (Ảnh: Tiến Tuấn).

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nhận định, ông Vương Đình Huệ có vai trò như "một nhà kinh tế chiến lược" trong giai đoạn 4 năm ông được phân công làm Phó Thủ tướng phụ trách mảng kinh tế - tài chính.

Nhìn lại, cùng với tập thể Thường trực Chính phủ và Chính phủ, ông Vương Đình Huệ đã góp công lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất 10 năm qua (trong 4 năm liên tục ở mức cao trên 7%).

Nếu như đầu nhiệm kỳ Chính phủ của Quốc hội khóa XIII, nợ công quốc gia sát trần, lên tới 64,73% GDP, nợ chính phủ vượt trần lên mức 53,62% thì đến giai đoạn gần cuối nhiệm kỳ, áp lực nợ đã giảm mạnh.

Cuối năm 2019, tỷ lệ nợ công trên GDP chỉ còn khoảng 55%, cơ cấu vay nợ chuyển dịch dần từ nguồn vốn vay nước ngoài sang vay trong nước và thông qua đó hỗ trợ thị trường vốn phát triển.

Bằng sự sắc sảo và kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực tài chính, năm 2016, ông Vương Đình Huệ nêu rõ khi thảo luận tại Quốc hội rằng: "Chúng ta thay đổi cơ bản cách thức quản trị. Anh nào đã cổ phần hóa rồi thì dứt khoát phải lên sàn, dứt khoát phải công bố thông tin. Anh nào trốn tránh thì trước hết công khai lên để dân biết".

Ông Huệ cho biết: "Doanh nghiệp thua lỗ trước đây thường xin cơ chế nọ kia. Bây giờ phân loại ra, nếu thua lỗ do vấn đề khách quan, khả năng còn tái cơ cấu được thì mới tập trung tái cơ cấu, không cho lạm dụng từ tái cơ cấu. Doanh nghiệp nào thua lỗ, dự án đầu tư không có hiệu quả (như gang thép Thái Nguyên bây giờ mà bỏ tiền vào nữa thì có mà chết), dứt khoát phải xử lý". Đồng thời khẳng định "Nhà nước không cứu những anh như vậy, phải rõ ràng".

Cũng trong năm 2016, ông Vương Đình Huệ gây ấn tượng mạnh mẽ với thông điệp đối với các doanh nhân trẻ: Doanh nghiệp phải xác định khi đã tham gia thị trường thì cần nỗ lực đứng vững trên đôi chân của mình, chấp nhận thắng thua, đồng thời cần khắc phục điểm yếu cố hữu như: Thích làm ăn riêng rẽ, phối hợp kém, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh, "dìm hàng" nhau trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp phải phát triển bằng con đường liêm chính, minh bạch, đổi mới sáng tạo, chứ không phải dựa trên quan hệ thân hữu, quen biết để làm ăn.

Trên cương vị Phó Thủ tướng ở nhiệm kỳ vừa qua, ông Vương Đình Huệ đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 năm 2017 để xử lý nợ xấu, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm từ 10,08% năm 2012 xuống còn 1,89% vào cuối năm 2019.

Tại lĩnh vực này, ông Huệ từng phát biểu: "Chính phủ đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino, sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém".

Ông Vương Đình Huệ cũng là Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ trong thời kỳ công tác tại Chính phủ. Lạm phát giai đoạn này được kiểm soát giảm theo từng năm, đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô. Lạm phát bình quân năm 2016 là 4,74% thì đến năm 2019 là 2,79%.

Ông cũng từng được biết đến là một lãnh đạo rất quyết liệt trong điều hành với nhiều chỉ đạo cứng rắn, phát biểu ấn tượng.

Khi ông Huệ còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính, lúc đó vấn đề điều hành giá xăng dầu vẫn đang còn nhiều bất cập, câu chuyện lỗ lãi của Petrolimex, hoa hồng cho đại lý… là đề tài dai dẳng trên báo chí.

Cuộc hội thảo về "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay" diễn ra năm 2011 là sự kiện thể hiện rõ nét tính quyết liệt trong điều hành của ông Vương Đình Huệ.

Ông Huệ tuyên bố thẳng với các doanh nghiệp xăng dầu thời bấy giờ: "Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được, chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước".

Ông cũng nhấn mạnh, Bộ Tài chính làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 80 triệu người tiêu dùng xăng dầu.

Tuyên bố của ông Huệ lúc đó nhận được sự tán thành và hưởng ứng của giới chuyên gia kinh tế.

Trên cương vị mới là Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ được cử tri kỳ vọng, với nền tảng kiến thức uyên thâm, với bề dày kinh nghiệm trên nhiều vị trí công tác, với sự hiểu biết sâu sắc và tính cách quyết liệt, ông sẽ điều hành Quốc hội thành công, thực hiện đầy đủ quyền giám sát tối cao của Quốc hội, hoàn thành xuất sắc chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Bích Diệp

Tin liên quan