Các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước sáng 26/7.
Nghị quyết ghi nhận kết quả bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước được Quốc hội biểu quyết thông qua và có hiệu lực ngay từ thời điểm này.
Nghị quyết nêu rõ: "Bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 (từ tháng 4/2021), Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XV, giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026".
Ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Ảnh: Quốc Chính).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước. Chủ tịch nước cúi chào cờ Tổ quốc, bước tới bục tuyên thệ, tay trái đặt trên Hiến pháp, tay phải giơ cao, dõng dạc lời tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ra sức công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó" - Chủ tịch nước tuyên thệ.
Lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Chủ tịch nước bày tỏ niềm tin vào sức mạnh Diên Hồng của dân tộc
Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn Quốc hội, các đại biểu đại diện cho đồng bào, cử tri cả nước đã tin tưởng, bầu ông giữ vào vị trí nguyên thủ quốc gia nhiệm kỳ mới.
Chủ tịch nước đề cập, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV diễn ra tại hội trường Diên Hồng, tên gọi về một sự kiện lịch sử diễn ra năm 1285. "Tinh thần Diên Hồng là biểu tượng của khối đại đàn kết toàn dân tộc, đặc biệt ở những thời khắc quyết định thiêng liêng với vận mệnh toàn đất nước" - Chủ tịch nước chúc mừng các đại biểu vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, về dự họp tại hội trường Diên Hồng. Ông cũng thay mặt các đại biểu bày tỏ lời tri ân, tưởng nhớ tới các thế hệ cha ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh để các thế hệ sau và đất nước có được ngày hôm nay.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Dưới cờ đỏ sao vàng, tôi hứa với đồng bào sẽ luôn rèn luyện tu dưỡng theo tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp, thực hiện đầy đủ quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch nước".
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn hay thuận lợi, Chủ tịch nước sẽ luôn giữ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa và truyền thống thiêng liêng của dân tộc, vì sự phát triển lớn mạnh, toàn diện và bền vững của đất nước. Chủ tịch nước sẽ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong đó có đội ngũ trí thức trong vào ngoài nước; tiếp tục cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, quan tâm thường xuyên, sâu sắc hiệu quả đổi với việc xây dựng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân cách mạng chính quy, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại để luôn giữ gìn cuộc sống bình an cho nhân dân và sẵn sàng bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Quốc Chính).
Vị nguyên thủ quốc gia trong nhiệm kỳ mới chia sẻ xúc động khi được tín nhiệm của đồng bào cử tri của hai huyện là cái nôi của cách mạng miền Nam gồm Hóc Môn và Củ Chi đất thép thành đồng bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đoàn TPHCM. Ông nhận định, đây là vinh dự bởi Việt Nam đã trải qua lịch sử dựng nước giữ nước hào hùng với nhiều gian khổ hi sinh. Cùng với nhiều địa danh khác, Củ Chi, Hóc Môn đã trở thành biểu tượng của khí chất tinh thần Việt Nam, của lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập dân tộc và niềm tin sắt son vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Từ đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, mọi thành quả của đất nước sẽ không trọn vẹn, khi những địa phương, những vùng đất giàu truyền thống cách mạng như vậy vẫn chưa phát triển tương xứng với bề dày lịch sử và với tiềm năng. Ông cũng day dứt khi những hộ nghèo trên khắp cả nước còn có gia đình chính sách, người có công, con em, thân nhân những người đã có nhiều đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời chiến lẫn thời bình.
Là Đại biểu Quốc hội, trên cương vị Chủ tịch nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ông hứa nỗ lực cùng Quốc hội, Chính phủ, hệ thống chính trị theo sát việc thực hiện, tầm nhìn, đường lối, chiến lược phát triển toàn diện đất nước với tinh thần không để người dân nào bị bỏ lại phái sau, đặt biệt là ở địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
"Trong bất kỳ trọng trách nào mà Đảng, Quốc hội và nhân dân đã giao phó, Chủ tịch nước sẽ luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, tích cực lắng nghe, phát huy dân chủ, bám sát thực tiễn, kiên định ý Đảng lòng dân, coi đó là sức mạnh để đưa đất nước tiến về phía trước" - Chủ tịch nước nói.
Quang cảnh Lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Quốc Chính).
Vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước điểm lại tình hình, kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới đến nay, nhiệm kỳ 5 năm 2016-2021 có nhiều thử thách khắc nghiệt từ thảm họa môi trường Formosa, hạn mặn thế kỷ ở Tây Nam Bộ, thiên tai bão lũ dồn dập đến các căng thẳng thương mại địa chính trị khu vực và quốc tế; đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu.
5 năm qua là thời gian hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được tôi luyện, trưởng thành thêm về bản lĩnh chính trị, quyết tâm luôn ko ngừng nuôi dưỡng tầm nhìn, khát vọng về một Việt Nam phát triển hùng cường theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. 5 năm qua, dù khó khăn hay thuận lợi, nhà nước vẫn quan tâm đến nông dân, công nhân, người nghèo, cả nước đã giành được nhiều nguồn lực để đầu tư cho nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước.
Trong ban hành chính sách và chỉ đạo điều hành, Chủ tịch nước nhận định, Đảng, Nhà nước đã luôn chú trọng tăng trưởng bền vững và phát triển hài hòa trên cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường.
Ông dẫn chứng, trong một nhiệm kỳ, mặc dù còn những hạn chế, bất cập, cả nước đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP cùng với hơn 8 triệu việc làm, chưa bao gồm các việc làm ở khu vực kinh tế phi chính thức, bảo đảm sinh kế, cơm ăn, áo mặc, y tế cho nhân dân, đặc biệt cho người nghèo trên khắp cả nước.
Đề cập thực tế, đại dịch Covid-19 có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và nền kinh tế thế giới, xét trên nhiều phương diện là nghiêm trọng, chưa từng có trong lịch sử nhân loại, Chủ tịch nước khái quát, trong gian khó, niềm tin của nhân dân và bạn bè quốc tế và quyết tâm chính trị của chúng ta, bản chất của chế độ ta lại một lần nữa tỏa sáng.
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư với khả năng lây lan mạnh bởi biến thể Delta, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm tin vào sức mạnh Diên Hồng của dân tộc, sức mạnh đoàn kết vô địch của nhân dân, niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ về một Việt Nam quyết thắng trong đẩy lùi, kiểm soát đại dịch Covid-19 để Việt Nam tiếp tục làm nên những mốc son phát triển mới, như Bác Hồ đã dạy là "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công".
Sau cùng, ông bày tỏ lòng biết ơn với đội ngũ y tế, lực lượng vũ trang, các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương trên khắp cả nước đã ngày đêm tận tụy, hy sinh cho công tác phòng chống dịch vì an toàn, sức khỏe của nhân dân. Cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu, nhiệt tình của bạn bè quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài.
Và đặc biệt, Chủ tịch nước khẳng định niềm tự hào sâu sắc vì sự nhân ái, bền bỉ và kiên cường trong gian nản thử thách của đồng bào ta, dù khó khăn vất vả vẫn lạc quan để đoàn kết, vượt khó, chiến thắng dịch bệnh.
"Truyền thống con rồng cháu tiên và đạo lý "bầu ơi thương lấy bí cùng", ý chí vươn lên luôn là phẩm chất vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi, đem về nhiều vinh quang cho dân tộc Việt Nam" - Chủ tịch nước chốt lại bài phát biểu nhậm chức.
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê Quảng Nam. Ông có 4 khóa làm Ủy viên Trung ương Đảng (X, XI, XII, XIII), 3 khóa làm Ủy viên Bộ Chính trị (XI, XII, XIII) và 4 khóa làm đại biểu Quốc hội (XI, XIII, XIV, XV).
Ông Nguyễn Xuân Phúc lần đầu được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vào tháng 1/2011. Đến tháng 1/2016, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và tái đắc cử ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 1/2021, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông tái cử Ủy viên Trung ương và được Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị khóa thứ 3 liên tiếp.
Tại cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XV vừa qua, ông được cử tri TPHCM bầu làm đại biểu Quốc hội với tỷ lệ 96,65%. Chủ tịch nước từng trải qua nhiều vị trí công tác tại Quảng Nam - Đà Nẵng và Trung ương, như Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam các khóa VIII, IX; Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam khóa VI, VII; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Chủ nhiệm Thường trực, Phó Bí thư Đảng ủy rồi Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trước khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước lần này, ông Nguyễn Xuân Phúc đã được Quốc hội khóa XIV tín nhiệm bầu giữ chức vụ này tại kỳ họp cuối cùng của khóa.
Theo chương trình dự kiến, cuối buổi sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình Quốc hội danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước cũng trình Quốc hội đề cử nhân sự để Quốc hội bầu các vị trí Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Sau đó, các đoàn sẽ thảo luận về các đề cử trên.
Phương Thảo