Fica
  1. Thời sự

Ông Đỗ Mười và dấu ấn chống lạm phát phi mã

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trong cuộc họp báo cáo kết quả chống lạm phát, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhận xét: “Anh nói là thành công à? Anh nâng lãi suất lên là đánh vào quốc doanh, làm cho nhiều xí nghiệp quốc doanh đình đốn không hoạt động được. Anh đánh vào giai cấp công nhân, làm biết bao người thất nghiệp”. Sau hai câu đó, ông Mười toát mồ hôi ướt đẫm cả áo.

Ghi theo lời kể của ông Võ Đại Lược, người từng tham gia nhóm tư vấn cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười về chống lạm phát.

Khi ông Đỗ Mười lên làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988, lạm phát vẫn còn rất cao. Đến đầu năm 1989, lạm phát vẫn ở 9%/tháng và nếu đà tiếp diễn thì sẽ đạt 110% năm.

Trước đó vào năm 1986, khi ông Trường Chinh khởi xướng Đổi mới, lạm phát đạt kỷ lục hơn gần 800% do rất nhiều nguyên nhân của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp…

Năm 1989 tôi là Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới được phân công làm tổ trưởng tổ nghiên cứu chống lạm phát của Ủy ban Khoa học Xã hội. Tuy nhiên, tôi không tán thành công trình chung đó nên viết riêng một đề án khác.

Lúc bấy giờ, có hơn 40 đề án chống lạm phát gửi đến ông Đỗ Mười từ rất nhiều cơ quan cả trong và ngoài nước. Thậm chí IMF đưa ra sáng kiến cho Việt Nam vay 2 tỷ đô la để chống lạm phát. Ông đọc hết nhưng chưa tán thành bất kỳ đề án nào.

Một lần đầu năm 1989, ông Lê Đức Thúy, thư ký của ông Đỗ Mười thông báo cho tôi là ông Mười muốn nghe đề án chống lạm phát của tôi. Khi tôi đến Văn phòng Chính phủ, ông Mười mặc bộ quần áo bộ đội đã ngồi đợi sẵn, trong căn phòng nóng nực.

Tôi trình bày phương án. Tóm tắt lại là lạm phát lên tới 9% tháng nhưng lãi suất chỉ 2-3% nên dân không gửi tiết kiệm mà tích trữ hàng hóa. Nhà nào cũng tích trữ săm, lốp xe đạp,… Dân không gửi tiền nên ngân hàng phải in tiền. Đó là nguồn gốc của lạm phát.


Ông Võ Đại Lược nhớ lại những kỷ niệm tư vấn cho Nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười.

Ông Võ Đại Lược nhớ lại những kỷ niệm tư vấn cho Nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười.

Tôi kiến nghị ba giải pháp. Một là nâng lãi suất thực dương lên 12%. Hai là tự do hóa kinh tế để dân tự do làm ăn buôn bán vì lúc đó vẫn ngăn sông cấm chợ, tất cả do Nhà nước cung cấp. Ba là mở cửa với thế giới bên ngoài.

Tôi đặt câu hỏi với ông Mười: “Tại sao lại không cho dân buôn bán? Hộ buôn bán có hại gì cho đất nước?”

Ông Mười nghe tôi trình bày xong thì đồng tình với giải pháp tăng lãi suất và còn e ngại với hai giải pháp sau. Tuy nhiên, ông cho gọi ngay ông Hồ Tế, thứ trưởng Bộ Tài chính, ủy viên thường trực Tiểu ban chống lạm phát của Chính phủ lên và yêu cầu ông Hồ Tế tổ chức hội nghị thảo luận đề án chống lạm phát của tôi.

Một tuần sau, hội nghị được tổ chức với hơn 100 người gồm các nhà kinh tế, các cán bộ từ các bộ ngành khác nhau. Tôi trình bày đề án gồm các điểm thực hiện lãi suất dương, tự do hóa thương mại, xóa bao cấp, xóa độc quyền nhà nước và mở cửa cho xuất nhập khẩu,…

Nghe tôi trình bày xong, cả hội trường phản ứng ầm ầm, phê tôi chệch hướng. Một số ít người ủng hộ tôi không dám nói, mà cũng không có cơ hội nói.

Sáng hôm sau, ông Mười cho gọi tôi lên hỏi: “Tình hình thế nào?”

Tôi đáp: “Thưa Chủ tịch, tới 90% đại biểu phản đối; không có ai ủng hộ ra mặt”.

Ông Mười nói: “Đề án của anh có nhiều điểm trùng với suy nghĩ của tôi. Tôi sẽ cho thí điểm ở Hải Phòng”. Ông nói thêm: “Ghế tôi ngồi đây là ghế nóng, cực nóng, anh nào muốn ngồi vào tôi đứng dậy nhường ngay”.

Ông Mười cho thí điểm lãi suất 12% ở Hải Phòng luôn. Một tháng sau, ông xuống Hải Phòng kiểm tra thì thấy dân bán hết hàng tích trữ để lấy tiền gửi ngân hàng, hàng hóa đầy trên thị trường, giá cả hạ xuống.

Về Hà Nội, ông Mười lại gọi tôi lên cho biết, cuộc thử nghiệm ở Hải Phòng rất tốt và thông báo là sẽ áp dụng toàn quốc. Sau đó, ông ban hành chỉ thị tăng lãi suất trên cả nước.

Một lần, ông Mười lại gọi tôi lên phàn nàn, mỗi năm phải in thêm 300 tỷ đồng để bù mua nông sản của nông dân với giá đắt rồi bán như cho không ở thành phố. Ông băn khoăn, điều này cũng gây lạm phát và hỏi ý kiến tôi.

Tôi đáp lại giải pháp đã từng trình bày với ông trước đó: “Nhà nước không nên làm việc đó mà để nhân dân tự do mua bán thì họ sẽ đưa lương thực, thực phẩm vào Hà Nội. Tôi tin sẽ có thay đổi ngay lập tức”.

Ông Mười ngần ngại hỏi lại: “Anh nói lạ, dạ dày của dân Nhà nước còn không lo nổi thì sao mấy bà tiểu thương lo được. Tôi không tin”.

Tôi khuyên, đã có kinh nghiệm thí điểm lãi suất ở Hải Phòng, nay cho thí điểm dân tự do buôn bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm vào Hà Nội. Ông Mười do dự nhưng cũng ban hành chỉ thị cho dân mang hàng vào thủ đô.

Chẳng bao lâu, các chợ ở Hà Nội tràn ngập hàng hóa, Hà Nội dư thừa lương thực ngay lập tức và các cửa hàng mậu dịch không còn cảnh xếp hàng. Sau Tết âm 1989, ông Mười cho triển khai chính sách đó trên toàn quốc. Nhờ đó, hệ thống tem phiếu cũng được bỏ đi.

Liên quan đến chính sách mở cửa có rất nhiều chuyện đáng nhớ. Hồi đó, Việt Nam vẫn còn bị Mỹ cấm vận, may là còn nguồn hàng đưa về Liên Xô và Đông Âu. Tuy nhiên, Hải Quan vẫn siết rất chặt, cán bộ, sinh viên mang hàng về vẫn bị khám xét rất gắt gao.

Gặp ông Mười, tôi lại đặt vấn đề: “Nhà nước không buôn nổi thì sao không để cho dân buôn. Cho dân buôn bán thì có hại gì cho quốc gia?” Tôi đề nghị để cho dân tự do buôn bán. Lần này, ông Mười không còn do dự như trước. Ông yêu cầu ông Nguyễn Công Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan bỏ luôn chế độ kiểm soát, không còn thuế má, bắt bớ. Nhờ vậy mà hàng hóa từ Liên Xô, Thái Lan đổ vào Việt Nam. Nhiều người giàu có lên từ đó.

Khoán 10 là sáng kiến của ông Kim Ngọc và được chính thức áp dụng đầu những năm 1980 nhưng chưa giúp giải quyết vấn đề thiếu lương thực. Chỉ sau này, khi ông Đỗ Mười cho tự do lưu thông hàng hóa mới thực sự giúp giải quyết vấn đề này.

Đầu năm 1989, ông Mười còn ký văn bản chỉ thị nhập khẩu 200.000 tấn lương thực nhưng đến giữa năm thì lương thực bắt đầu dư thừa, đến cuối năm Việt Nam xuất khẩu được 1 triệu tấn lương thực. Đó là năm đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam xuất khẩu được 1 triệu tấn lương thực. Cuối năm 1989, dự trữ ngoại tệ vọt lên 200 triệu đô la từ 20 triệu đô la hồi đầu năm.

Cuối năm ông Mười ngạc nhiên lắm, gọi tôi lên nói: “Tôi hết sức bất ngờ. Tôi không phải in thêm tiền mà lại có thêm dự trữ”.

Tôi đáp: “Đó là do ta thực hiện kinh tế hàng hóa để người dân và doanh nghiệp kinh doanh”.

Cuộc chống lạm phát như vậy là thành công. Mức lạm phát từ 9%/tháng tụt xuống còn 1-2%/tháng, thậm chí có tháng âm. Các tổ chức quốc tế đánh giá thành công của Việt Nam là kỳ diệu.

Sau những thành công đó, ông Đỗ Mười rất tin tưởng ở tôi, tham vấn tôi thêm nhiều vấn đề. Sở dĩ tôi đưa ra các giải pháp đó vì tôi là Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, có cơ hội đi nhiều, chứng kiến nhiều những quy luật bình thường, chung của thế giới. Mình chỉ cần đi theo là thành công thôi.

Sau khi chống lạm phát thành công, ông Đỗ Mười yêu cầu tôi chuẩn bị bản báo cáo để ông trình bày với Bộ Chính trị. Trong cuộc họp đó, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhận xét: “Anh nói là thành công à? Anh nâng lãi suất lên là đánh vào quốc doanh, làm cho nhiều xí nghiệp quốc doanh đình đốn không hoạt động được. Anh đánh vào giai cấp công nhân, làm biết bao người thất nghiệp”.

Nghe hai câu đó, ông Mười toát mồ hôi ướt đẫm cả áo.

Trong bản báo ấy, tôi nêu thực trạng quốc doanh ở ta chiếm đến 90% GDP, kinh tế hộ gia đình chỉ có 5% GDP. Tôi đề nghị thu hẹp tỷ trọng xí nghiệp quốc doanh xuống còn 30%. Ông Mười thấy ông Linh không đồng ý nên bỏ chữ “thu hẹp quốc doanh” mà thay bằng chữ “cổ phần hóa”. Từ “cổ phần hóa” bắt đầu từ đó.

Trong cuốn sách tựa đề “Chống lạm phát và quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam” của ông Võ Đại Lược có lưu bút của Nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười. Lưu bút này khẳng định, đồng chí Võ Đại Lược – Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, năm 1989-1990 đã trình Chính phủ đề án “Về chống lạm phát ở Việt Nam”. Đề án này đã xuất hiện nhiều giải pháp như lãi suất dương, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới hệ thống tài chính, tiền tệ, ngân hàng, theo các nguyên tắc của thị trường. Nhiều giải pháp do đề án nêu ra cũng phù hợp với suy nghĩ của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và đã được Chính phủ áp dụng và đã mang lại những kết quả rất rõ rệt.

(còn nữa)

Theo Tư Giang
VietnamNet

Tin liên quan