Fica
  1. Thời sự

Ồn ào vụ hóa đơn tiền điện: Cần sớm công bố kết luận thanh tra giá điện!

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Chuyên gia cho rằng, Thanh tra Chính phủ cần nhanh chóng công khai kết luận thanh tra giá điện để người dân, dư luận có thể thấy bức tranh đầy đủ về giá điện thời gian vừa qua.

Ồn ào vụ hóa đơn tiền điện: Cần sớm công bố kết luận thanh tra giá điện! - 1

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết có tới vài trăm nghìn hộ dùng điện tăng 300%

Trước loạt phản ánh về việc hóa đơn tiền điện tăng “sốc”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Nắng nóng kỷ lục, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát (đặc biệt là điều hòa) là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng.

Theo EVN, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020.

Đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Sau giải thích của EVN, nhiều người dân vẫn tiếp tục bày tỏ sự băn khoăn về sự minh bạch trong vấn đề này.

Thậm chí độc giả Xuân Lan (Nam Từ Liêm, Hà Nội) gửi phản ánh tới Dân trí cho biết gia đình không sử dụng điều hoà mà tháng vừa rồi vẫn tăng gấp đôi.

Nhiều độc giả tỏ ra nghi ngại việc áp dụng công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa không đảm bảo tính chính xác, khó giám sát.

Cũng có ý kiến cho rằng nếu ngành điện không độc quyền mà để để tư nhân tham gia cạnh tranh thì sự cạnh tranh, tính minh bạch sẽ cao hơn.

Nói với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, người dân cần sự công bằng, minh bạch và hợp lý trong vấn đề tiền điện.

Theo ông Thành, rất nhiều người dân cùng lên tiếng phản ánh về việc hóa đơn tiền điện tăng một cách bất thường thì bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần có trách nhiệm làm minh bạch vấn đề này, có sự giám sát của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), Thanh tra Chính phủ...

Về phía người dân, ông Thành cũng cho rằng cần có thái độ rõ ràng, nếu thấy thực sự bất hợp lý thì phản ánh, không nên hùa theo đám đông.

Ông Thành cho rằng, người dân có thể lắp một công tơ riêng, nối tiếp từ nguồn điện của EVN để theo dõi, giám sát. Bên cạnh đó, cũng cần một đơn vị độc lập để kiểm tra việc kiểm định công tơ khi cần thiết.

“Thanh tra Chính phủ cũng cần nhanh chóng công khai kết luận thanh tra giá điện để người dân, dư luận có thể thấy bức tranh đầy đủ về giá điện thời gian vừa qua. Đây là vấn đề mà dư luận thực sự rất quan tâm", ông Thành nói.

Trong khi đó, trao đổi với Dân trí, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần một bên thứ ba độc lập đứng ra phân xử để đảm bảo khách quan. “Đến hẹn lại lên, năm nào thời điểm này cũng vậy. Một bên mua, một bên bán, ai cũng nghĩ mình đúng, người đứng ngoài cuộc không thể “bênh” ai mà cần cơ quan phân xử cho công tâm, minh bạch”, ông Ánh nêu vấn đề.

Thậm chí, theo ông Ánh, nếu khách hàng bức xúc cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm có thể kiện bên bán điện ra toà.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị kéo dài thời hạn công bố kết quả thanh tra giá điện. Trả lời câu hỏi của báo chí về việc trong quá trình thanh tra có gặp khó khăn hay trở ngại, cơ quan thanh tra khẳng định: “Không gặp khó khăn gì trong quá trình thanh tra giá điện. Tuy nhiên, giá điện khá nhạy cảm nên chúng tôi làm thận trọng, với tinh thần khách quan, công tâm nhất".

Nguyễn Mạnh 

Tin liên quan