Đó là những chia sẻ của chị Đỗ Thanh Thủy - Kíp phó không lưu, Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân Nội Bài thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam - với PV Dân trí, khi trao đổi về công việc đặc thù của kiểm soát viên không lưu (KSVKL), những người thực hiện nhiệm vụ điều hành bay trên không phận quốc gia.
- Phóng viên: Được biết, chị là một trong số ít KSVKL được tham gia điều hành bay đối với chuyên cơ Không Lực Một của 3 đời Tổng thống Mỹ tới Hà Nội. Chị có thể chia sẻ điều đặc biệt khi điều hành những chuyến bay chuyên cơ này?
- KSVKL Đỗ Thanh Thủy: Tôi đã tham gia điều hành chuyên cơ của các Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Barack Obama, Donald Trump. Điều hành chuyên cơ của Tổng thống Mỹ rất khác biệt, tôi rất ấn tượng với công tác chuẩn bị của nước bạn khi Tổng thống của họ tới Việt Nam.
Chị Đỗ Thanh Thủy - Kíp phó không lưu, Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân Nội Bài.
Phía Mỹ thường có các đoàn tiền trạm làm việc về nhiều vấn đề từ an ninh tới dịch vụ sân bay. Dịch vụ nào đáp ứng được yêu cầu thì họ sử dụng, dịch vụ hay trang thiết bị nào chuyên biệt và cần thiết thì họ sẽ tự chở đến để phục vụ riêng cho Tổng thống của họ.
Có lần phía Mỹ đưa ra yêu cầu chính họ sẽ trực tiếp điều hành chuyên cơ Tổng thống của họ, tuy nhiên điều đó là không thể được. Họ không được tham gia vào dây chuyền điều hành mà chỉ được đứng trên đài chỉ huy và cùng quan sát để thấy rằng chuyến chuyên cơ chở Tổng thống của nước họ được Việt Nam đảm bảo an toàn tuyệt đối.
- Trong 3 đời Tổng thống Mỹ mà chị làm nhiệm vụ điều hành bay chuyên cơ, chị ấn tượng nhất với vị Tổng thống nào?
- Tôi ấn tượng nhất với Tổng thống Barack Obama. Khi phục vụ chuyên cơ vị Tổng thống này, cách thức mà các đặc vụ Mỹ liên hệ hay tiếp xúc với đội ngũ KSVKL chúng tôi rất thân thiện, thậm chí họ còn tặng phù hiệu của họ cho chúng tôi.
Phía Mỹ đưa ra yêu cầu về công việc cao, nhưng họ cũng rất trân trọng mình. Họ rất cẩn thận, họ họp liên tục để khẳng định sự chắc chắn trong từng phần việc. Họ trao đổi kỹ lưỡng xem phía ta có đáp ứng được yêu cầu dịch vụ, sân bay, không lưu hay không không... Khi mình trả lời họ có thể đáp ứng được thì họ rất tin tưởng.
Nữ KSVKL Đỗ Thanh Thủy chia sẻ với PV Dân trí về những ấn tượng trong 3 lần điều hành chuyên cơ Tổng thống Mỹ
- Năm 2017, sau khi tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi hành tới Hà Nội để thăm chính thức Việt Nam. Do yêu cầu an ninh nên phía Mỹ đã “đánh lạc hướng” bằng việc đưa chuyên cơ bay vào Tây Nguyên sau đó mới ngược trở ra Hà Nội và hạ cánh muộn hơn 1 tiếng. Không được báo trước với tình huống này, KSVKL đã tiếp nhận và điều hành chuyên cơ ra sao?
- Khi chúng tôi điều hành chuyên cơ của Mỹ thì họ có những yêu cầu rất cao, nhưng những thông tin họ cung cấp cho phía Việt Nam cũng rất đầy đủ và nguyện vọng của họ như thế nào thì cũng hợp tác rất tốt. Vì vậy, với những tình huống đó cũng không ảnh hưởng gì nhiều.
Phía Mỹ họ có những kế hoạch của họ thì phía mình cũng sự sắp xếp theo các quy định rõ ràng. Với các trường hợp đặc biệt, điều hành bay không chỉ riêng các kíp trưởng, kíp phó như thường lệ mà Trưởng, Phó trung tâm kiểm soát không lưu cũng tham gia.
- Với những tình huống hi hữu như trên, khi điều hành bay tâm lý của chị có bị áp lực hay căng thẳng không?
Trong nghề KSVKL không được phép căng thẳng, kể cả tình huống khẩn nguy trong lòng rất lo lắng về sự an toàn của chuyến bay nhưng cũng không được phép căng thẳng, phải thật bình tĩnh, tỉnh táo để điều hành chuyến bay.
Nữ kiểm soát viên 3 lần điều hành chuyên cơ Tổng thống Mỹ tới Việt Nam
Phía Mỹ luôn có một số đặc vụ ở trên đài chỉ huy, kiểm soát không lưu, nhưng các đặc vụ này cũng rất thân thiện và tạo ra cho mình tâm lý thoải mái khi điều hành bay chuyên cơ chở Tổng thống của nước họ, vì thế chúng tôi không thấy có vấn đề gì căng thẳng.
- Khác với các VIP trên thế giới, Tổng thống Mỹ luôn có 2 chuyên cơ Không Lực Một giống hệt nhau tháp tùng đi công du, trong đó có Việt Nam. Các KSVKL xác định chuyên cơ có Tổng thống Mỹ và chuyên cơ không có Tổng thống như thế nào thưa chị?
- Phía Mỹ luôn có 2 máy bay Không Lực Một tháp tùng Tổng thống, nhưng chỉ có 1 máy bay được Việt Nam cấp giấy phép chuyên cơ và KSVKL chỉ phục vụ 1 máy bay theo quy chế chuyên cơ.
Khi máy bay sắp hạ cánh, đặc vụ Mỹ sẽ thông báo cho KSVKL đâu là chuyên cơ chính, vì vậy KSVKL sẽ tập trung điều hành chuyên cơ theo thông báo của đặc vụ Mỹ, kể cả trên chuyên cơ đó có VIP hay không.
Tổng thống Mỹ ngồi trên chuyên cơ nào thì đó là vấn đề an ninh của nước họ. Với mình, khi được thông báo chuyến bay, số hiệu, thời điểm cụ thể thì chỉ phục vụ 1 chuyên cơ Không Lực Một.
Nữ kiếm soát viên Đỗ Thanh Thủy trên đài chỉ huy, điều hành các chuyến bay
- Phía Mỹ thường tự điều hành bay chuyên cơ chở Tổng thống của nước họ và chỉ cho biết về hoạt động của chuyên cơ này khi chuẩn bị vào không phận Việt Nam. Từ khi máy bay đi vào Vùng thông báo bay (FIR) tới khi hạ cánh, quy trình điều hành của KSVKL được thực hiện như thế nào, thưa chị?
- Đó là một chuyến bay trong rất nhiều chuyến bay VIP khác, chúng tôi vẫn thực hiện theo quy trình điều hành của Việt Nam. Phân cách từ đường dài tiếp cận tới đài chỉ huy phải đảm bảo theo quy định.
Việc điều hành máy bay di chuyển, ra các huấn luyện không đều được sao nhãng, khi đặc vụ Mỹ đứng bên cạnh thì càng phải thể hiện sự chuyên nghiệp và kỹ năng cao nhất để cho họ thấy rằng Việt Nam có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cho chuyến bay chở Tổng thống của họ.
- Xin cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị này, chúc chị và gia đình năm mới luôn mạnh khỏe, vạn sự như ý!
Bài: Châu Như Quỳnh
Ảnh + video: Toàn Vũ