2 năm “ngốn” 1,7 tỷ đồng
Năm 2012, Cục Hàng không phê chuẩn trường đào tạo huấn luyện phi công đầu tiên tại Việt Nam theo hình thức xã hội hóa. Trường được mở ở TPHCM với khung đào tạo được lấy theo chuẩn châu Âu. Tại đây, giáo viên đào tạo huấn luyện phần lớn là người nước ngoài. Học viên phi công đa quốc tịch, ngoài người Việt còn có học viên đến từ Canada, Ấn Độ, Úc, Campuchia...
Người ứng tuyển phải trải qua nhiều vòng thi và chi phí đắt đỏ. |
Để có thể học phi công, người ứng tuyển phải trải qua 3 vòng thi trên máy và rất nhiều bài kiểm tra khác nhằm đạt kết quả chính xác và trung thực nhất về kiến thức, phẩm chất, những kỹ năng quan trọng về tố chất làm phi công, khả năng xử lý thông tin, khả năng đánh giá tình huống, khả năng thích ứng với nghề, tính tự tin... Kết quả thi tuyển cuối cùng được đơn vị độc lập chuyên đánh giá ứng viên phi công phân tích và gửi về từ Anh. Số lượng trúng tuyển khoảng 40% - 50% số lượng thi tuyển.
Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên - Đội bay Boeing 787, người có 38 năm trong nghề và đang trực tiếp tham gia đào tạo, huấn luyện tại trường phi công - cho hay: Với hình thức xã hội hoá, riêng tiền học phí của phi công là 1,7 tỷ đồng, thời gian đào tạo phi công cơ bản từ 22-24 tháng, trong đó bắt buộc phải học 3 tháng quân sự. Nếu không xã hội hoá, hãng hàng không phải bỏ ra 130.000 USD để đào tạo 1 phi công cơ bản ở nước ngoài, sau đó chi thêm 55.000 - 60.000 USD/tổ lái 2 người để bay SIM chuyển loại phi công (với Boeing 787 là 800 USD/giờ bay SIM).
Tại Việt Nam, chương trình huấn luyện phi công cơ bản diễn ra trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 kéo dài trong 6 tháng: Học viên phi công phải hoàn thành 14 môn học, 783 giờ học, 30 giờ thi, 3 giờ bay SIM (thiết bị mô phỏng buồng lái máy bay). Học viên phải học về nguyên lý bay, học về máy bay, kiến thức hệ thống, thiết bị hàng không, nhân tố con người, khí tượng, liên lạc hàng không, dẫn đường cơ bản, dẫn đường vô tuyến điện, lập kế hoạch bay, tính năng bay, cân bằng trọng tải, phương thức bay, Luật hàng không. Giai đoạn 2 là học bay với 155 giờ.
Thời gian học phi công là 2 năm với chi phí gần 2 tỷ đồng |
“Vi phạm kỷ luật lần 1 học viên phải nhận cảnh cáo, vi phạm lần 2 thì học viên phải gặp Hội đồng kỷ luật, lần vi phạm thứ 3 (đặc biệt là gian dối trong thi cử) thì học viên bị huỷ tất cả kết quả học tập và phải học lại từ đầu nếu muốn theo nghề phi công.” - phi công giáo viên Nguyễn Nam Liên cho biết.
Sau khi kết thúc chương trình huấn luyện phi công cơ bản, các học viên được chuyển sang chuyển loại tại các SIM để học trở thành phi công khai thác. Các học viên phải học về các hoạt động dưới mặt đất, học điều hành năng lực tổ bay... Kết thúc học bay SIM, học viên chuyển ra ngoài để thực hiện bay huấn luyện.
Học xong vẫn phải thi cả đời
Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên cho hay, bác sỹ, kỹ sư, hay bất kỳ nghề nào khác học xong là có bằng trọn đời, nhưng phi công mất gần 2 tỷ đồng để học nhưng bằng lái chỉ có thời hạn trong 5 năm. Khi đã là phi công khai thác, mỗi năm vẫn phải trải qua 8 lần thi và huấn luyện định kỳ trên SIM 2 lần, dù trượt 1 lần cũng sẽ bị hủy bằng và không còn là phi công nữa.
“Trên một chuyến bay, nếu có sự cố bất trắc nào xảy ra, nguy hiểm sẽ đe dọa tới sinh mạng của phi công và gần 300 người khác, cùng với chiếc máy bay trị giá 250 triệu USD. Để tránh được những điều đáng tiếc thì đòi hỏi phi công phải xử lý được tốt nhất các tình huống. Đó là lí do mà các phi công phải học và thi, kiểm tra rất nhiều lần trong năm. Nếu bạn quyết định trở thành phi công là bạn được nhận bằng để đi học và thi cả đời.” - cơ trưởng Nguyễn Nam Liên cho hay.
Một nữ học viên phi công và đồng môn trong ngày tốt nghiệp phi công cơ bản mới đây, hiện đang chờ để học chuyển loại trên SIM
Vị cơ trưởng có 38 năm kinh nghiệm trong nghề bay chia sẻ, ở môi trường rất thử thách nên phi công là nghề rất đặc biệt, bất kỳ điều gì cũng có thể tác động tới phi công và rất nhiều yếu tố nguy cơ gây mất an toàn. Phi công phải luôn ghi nhớ, an toàn là số 1, là điều kiện tiên quyết đối với 1 chuyến bay.
Dự báo, đến năm 2020 ngành hàng không Việt Nam cần khoảng từ 1.800 - 2.000 phi công. Xã hội hóa huấn luyện phi công giúp mở rộng lựa chọn ứng viên phi công, chất lượng đảm bảo khách quan, loại bỏ cơ chế xin-cho và đặc biệt tiết kiệm chi phí đầu tư đào tạo phi công ở nước ngoài (khoảng 2,5 tỷ đồng).
Châu Như Quỳnh