Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) mới diễn ra. Báo cáo tóm tắt 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông Cao Đức Phát, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tổng số Ngân sách nhà nước đã đầu tư cho phát triển nông nghiệp và nông thôn là 1,17 triệu tỷ đồng, trong đó riêng cho phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp là 415 nghìn tỷ đồng, đầu tư phát triển nông thôn 755 nghìn tỷ đồng.
Tín dụng đen đang tiếp cận người dân nông thôn |
Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng với tốc độ cao hơn mức bình quân của nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay ngành nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra rằng nguồn vốn đầu tư vào nông thôn dựa nhiều vào Ngân sách Nhà nước nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, mức huy động từ các nguồn khác còn thấp. Chưa thực hiện chủ trương 5 năm sau tăng gấp 2 lần đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn so với 5 năm trước. Đầu tư xã hội cho nông lâm thủy sản chỉ chiếm 6% tổng đầu tư của xã hội và có xu hướng giảm. Khả năng tiếp cận vốn vay từ các nguồn chính thức còn thấp so với yêu cầu, nhiều nơi nông dân phải sử dụng tín dụng “đen”.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An cho rằng thiếu vốn là vướng mắc lớn nhất khi doanh nghiệp, nông dân đầu tư làm ăn vào nông nghiệp. Do thiếu vốn mà tín dụng đen đang có cửa hoành hành ở nông thôn.
Theo đại diện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn còn hạn chế, dàn trải chưa đáp ứng được nhu cầu; vốn đầu tư tư nhân ít, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng dưới 2%), chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún, năng lực sản xuất hạn chế, đầu tư thiếu đồng bộ, máy móc thiết bị sản xuất, chế biến chậm đổi mới; cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch theo phong trào; sự tuân thủ quy hoạch thấp; chưa xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa rớt giá.
Đặc biệt, đại diện Agribank cho biết, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp chi phí cao, chênh lệch lãi suất thấp, rủi ro lớn do thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, thị trường thiếu minh bạch...
"Nguồn vốn cho vay của Agribank là nguồn vốn thương mại, huy động từ thị trường nên lãi suất đầu vào cao. Đồng thời, nhu cầu tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn rất lớn, trong khi Agribank chưa cổ phần hóa và chưa được tăng vốn điều lệ nên Agribank gặp khó khăn về bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu và tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu của khách hàng", vị này lý giải.
Trước thực tế trên, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các hệ thống ngân hàng phải nhìn nhận khó khăn trong việc cung cấp vốn tín dụng cho khu vực nông thôn, qua đó có giải pháp tập trung hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, kịp thời khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp.
An Linh