(Ảnh minh hoạ) |
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung phủ bóng đen lên triển vọng toàn cầu trong hơn 1 năm, tuy nhiên, trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, VNDirect nhận thấy một số lợi ích kinh tế đối với Việt Nam qua dòng chảy thương mại và dòng vốn đổ vào Việt Nam.
Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam vượt trội so với các nước châu Á khác. Trong 4 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức 6,5% so với cùng kỳ trong khi các nước châu Á khác đều ghi nhận tăng trưởng âm trong hoạt động xuất khẩu. Điều này là nhờ xuất khẩu tích cực của khối trong nước, đặc biệt là nhóm ngành dệt may, đồ gỗ và tăng trưởng ổn định về xuất khẩu sản phẩm công nghệ.
Bên cạnh đó, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 5% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm 2019 nhưng được bù đắp bởi mức tăng trưởng 29,1% so với cùng kỳ về xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Ngoài ra, VNDirect cũng nhận thấy dấu hiệu rõ ràng từ việc các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển sang Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ. Trong 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Trung Quốc cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào Việt Nam, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam đang thu hút nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư lớn khác (như Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore) với mức tăng hơn 30% trong vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2019 (mức tăng trưởng này không bao gồm vốn góp liên quan đến việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco).
Theo VNDirect, tăng trưởng xuất khẩu cao và dòng vốn FDI mạnh mẽ sẽ tiếp tục là bộ đệm hỗ trợ nền kinh tế trước sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong trung hạn.
Khác với các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á, xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của Việt Nam đã tăng lên trong những tháng gần đây. Theo VNDirect, điều này cho thấy sự hưởng lợi của Việt Nam đến từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung do nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ cũng như chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất trong nước.
Cụ thể, tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp tích cực với PMI đạt đỉnh 4 tháng là 52,5 điểm vào tháng 4/2019 nhờ sự gia tăng các đơn hàng mới và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 10% so cùng kỳ trong tháng 5, được thúc đẩy bởi tăng trưởng vững chắc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,6% so với cùng kỳ). Ngoài ra, tăng trưởng xuất khẩu đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 4 (tăng 10,4% so với cùng kỳ) sau tăng trưởng chậm trong 3 tháng đầu năm.
Mặc dù căng thẳng thương mại leo thang nhưng VNDirect vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 và 2020 lần lượt ở mức 6,6% và 6,5%. Rủi ro cho dự báo này bao gồm cuộc chiến thương mại toàn diện tiềm tàng và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Mai Chi