Fica
  1. Thời sự

Nói về giá điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Chính phủ nào dự báo được hoa sữa sẽ nở tháng 5"

Nói về thời điểm tăng giá điện, Phó Thủ tướng khẳng định công tác dự báo cần phải tăng cường hơn nữa nhưng ông cũng thừa nhận rất khó đoán, khó lường nên cần sự chia sẻ.

Nói về giá điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ nào dự báo được hoa sữa sẽ nở tháng 5 - 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phát biểu tại thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 22/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lý giải về nguyên nhân tăng giá điện vào tháng 3 - thời điểm đầu mùa hè khiến hoá đơn tiền điện nhiều hộ gia đình tăng sốc: "20/3 đâu phải mùa hè. Trước 20/3 còn chưa đến rét nàng Bân. Còn có bài thơ “Tháng 3 đột ngột mưa rào/Để cho em trộm bước vào đời anh”. Chưa có năm nào thời tiết lại trái như năm nay".

Phó Thủ tướng cũng cho biết, thông thường, tháng 3 là tháng sau Tết Nguyên đán và CPI thường giảm rất mạnh. Thực tế giá điện tăng vào tháng 3 nhưng CPI tháng vẫn âm. Chính vì lẽ đó, nếu tăng vào tháng 3 sẽ đỡ được sức ép lạm phát.

"Chính phủ không dự báo được tháng 4 nắng như đổ lửa. Những năm trước, tháng 4 bãi biển nhiều nơi còn lạnh chưa tắm được trong khi năm nay nắng như đổ lửa trước 30/4, 1/5. Nhưng đến đầu tháng 5 lại lạnh như mùa đông. Thời tiết rất lạ, hoa sữa còn nở vào tháng 5. Nên rất khó dự báo, cái này phải thông cảm cho Chính phủ", ông nói.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, thời điểm tăng vào tháng 3 là phù hợp bởi thời điểm tháng 1, 2 là tháng Tết không tăng được. Còn nếu lùi lại vào tháng 4, 5, 6 là cao điểm mùa hè sẽ tạo sức ép hơn nữa. Và nếu để sau nữa thì sẽ không chịu nổi sức ép từ chi phí đầu vào tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng. 

Khẳng định công tác dự báo cần phải tăng cường hơn nữa nhưng Phó Thủ tướng cũng thừa nhận rất khó đoán, khó lường nên cần sự chia sẻ.

"Thường trực Chính phủ đã họp đi họp lại nhiều lần và đã lựa chọn tăng 8,36% thay cho 9,26% như đề nghị của các bộ", Phó Thủ tướng nói, đồng thời cho biết tới đây sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính EVN và điều hành giá điện năm 2019.

"Sai ở đâu Chính phủ, các bộ ngành nhận khuyết điểm chỗ đó. Kết quả sau đó sẽ công khai cho Quốc hội, người dân biết", ông Huệ nói.

Cũng nói về giá điện, tại tổ Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho biết, trong báo cáo Chính phủ cũng đã nêu rất rõ, giá điện tăng do tăng chi phí của các yếu tố đầu vào. “Toàn bộ điều chỉnh giá điện lên 8,36% chỉ đủ bù đắp cho 20.000 tỷ đồng chi phí thiếu hụt”, ông Thành nói.

"EVN có nhiệm vụ mua điện, sản xuất, truyền tải và phân phối điện cho người tiêu dùng. Việc mua điện tăng lên, chi phí tăng lên thì bắt buộc phải điều chỉnh để bù đắp lại các chi phí. Từ đó EVN mới có tiền mua than, mua dầu, mua điện để cung cấp cho dân và doanh nghiệp", ông Thành nói.

Trước đó, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Chính phủ cũng cho biết,việc cân nhắc lựa chọn thời điểm tăng giá (từ 15 đến 30/3) là theo đề xuất của liên bộ và Tổng cục Thống kê. Theo quy luật, chỉ số CPI thường tăng cao vào tháng 2 (dịp nghỉ tết Âm lịch) và sẽ giảm mạnh trong tháng 3, nên sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm và kiềm chế được lạm phát kỳ vọng.

Ngoài ra, theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, dự kiến điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%.

Mặt khác, việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3 đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, dự kiến CPI của tháng 3 và cả năm nhằm đảm bảo CPI 2019 trong khoảng 3,3-3,9% (thấp hơn mức 4% chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua).

Phương Dung