Fica
  1. Thời sự

Những con số "biết nói" về tình hình nợ công của Việt Nam

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Đến hết ngày 31/12/2020, dư nợ công bằng khoảng 55,3% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,3% GDP. Đây là mức thấp hơn trần quy định.

Những con số nói trên được ghi nhận trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã nêu thông tin chi tiết.

Bội chi ngân sách Nhà nước tăng

Trong báo cáo này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán bội chi NSNN năm 2020 Quốc hội quyết định đầu năm là 234,8 nghìn tỷ đồng (3,44% GDP), trong đó bội chi ngân sách Trung ương (NSTW) là 217,8 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 17 nghìn tỷ đồng.

Tại Nghị quyết số 128/2020/QH14, Quốc hội đã cho phép tăng bội chi NSTW năm 2020 tối đa là 133,5 nghìn tỷ đồng để bảo đảm cân đối chi NSNN năm 2020, thực hiện vay bù đắp bội chi phù hợp với tiến độ thu và dự kiến giải ngân NSTW năm 2020.

Những con số biết nói về tình hình nợ công của Việt Nam - 1

Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,45% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP (ảnh: Đỗ Quân). 

Với kết quả thu, chi NSNN năm 2020 nêu trên, bội chi NSTW là 245,65 nghìn tỷ đồng, tăng 27,85 nghìn tỷ đồng so dự toán.

Đối với NSĐP, Bộ trưởng Tài chính cho rằng trong tổ chức thực hiện, nhờ sắp xếp lại nhiệm vụ chi, nhiều địa phương đã dành được nguồn đảm bảo cho các dự án, chương trình sử dụng vốn vay (không phải vay để đầu tư); bên cạnh đó, tiến độ triển khai một số dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA ở các địa phương còn chậm; nên về tổng thể, bội chi NSĐP thực hiện năm 2020 là 5,7 nghìn tỷ đồng, giảm 11,3 nghìn tỷ đồng so dự toán.

Tổng hợp chung, bội chi NSNN năm 2020 là 251,35 nghìn tỷ đồng, tăng 16,55 nghìn tỷ đồng so dự toán, bằng 3,99% GDP thực hiện là 6.293 nghìn tỷ đồng.

Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,45% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội.

Nợ công thấp hơn trần quy định

Đề cập tới tình hình nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin: Đến hết ngày 31/12/2020, dư nợ công bằng khoảng 55,3% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,3% GDP. Đây là mức thấp hơn trần quy định tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (tương ứng là 65% GDP, 54% GDP và 50% GDP).

Trong năm 2020, Chính phủ đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước (đã phát hành được 333.000 tỷ đồng cho NSNN, tăng gần 39% so với thực hiện năm 2019), chủ yếu huy động vốn trung và dài hạn, không vay thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế như ngân hàng WB, ADB.... góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

"Ngày 08/4/2020, Fitch đã quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia ở mức BB và điều chỉnh triển vọng từ tích cực sang ổn định; ngày 21/5/2020, S&P đã tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, triển vọng ổn định; trong tháng 5/2020, Moody's cũng giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Theo người đứng đầu ngành tài chính, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2020 đã dài gấp trên 3,5 lần năm 2011, từ mức 3,9 năm lên bình quân khoảng 13,94 năm, nâng kỳ hạn nợ bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ thời điểm cuối năm 2020 lên 8,42 năm, dài gấp gần 5 lần so với thời điểm cuối năm 2011 (1,84 năm); lãi suất huy động bình quân cũng giảm mạnh, từ mức 12,01% bình quân năm 2011, xuống còn khoảng 2,86% năm 2020.

Thực hiện các quy định của Luật Quản lý nợ công, bám sát các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính đã tổ chức tái cơ cấu danh mục nợ, hoán đổi trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài, qua đó kéo dài kỳ hạn còn lại, giảm áp lực trả nợ, cắt đỉnh nợ cho NSNN.

Cần phải nói thêm rằng, từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện hoán đổi gần 6 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, trong đó 50% được kéo dài thời hạn từ 5,9 năm lên 25,4 năm (tăng 4,3 lần), 50% còn lại từ 1,17 năm lên 13,09 năm (tăng 11,2 lần).

Người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết, công tác quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh được tăng cường; bội chi và vay của NSĐP được kiểm soát trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.

Châu Như Quỳnh