Fica
  1. Thời sự

Nhìn lại kinh tế 20 năm qua: Tăng trưởng đã “lành mạnh hơn”

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Nhìn lại tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2 chu kỳ vừa qua, giai đoạn 2000-2020, các chuyên gia VDSC nhận thấy, diễn biến tăng trưởng kinh tế hiện tại đã “lành mạnh hơn” khi vai trò chi phối của tăng trưởng cung tiền đã suy giảm đáng kể.

Một năm “khá êm đềm”

Nhìn lại kinh tế 20 năm qua: Tăng trưởng đã “lành mạnh hơn” - 1

Diễn biến tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam đã “lành mạnh hơn”

“Trải qua năm Kỷ Hợi 2019 khá êm đềm, kinh tế Việt Nam nhìn chung giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực. Mặc dù yếu tố bất định từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các biến động địa chính trị toàn cầu, việc các Ngân hàng Trung ương (NHTW) trên thế giới, bao gồm ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, liên tục cắt giảm lãi suất đã hạn chế những tác động tiêu cực lên nền kinh tế” - khái quát của các chuyên gia từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu tại Báo cáo chiến lược vừa công bố.

Cụ thể, trong năm vừa qua, tăng trưởng GDP ước đạt 7%, thấp hơn so với mức 7,1% của năm 2018 nhưng cao hơn giai đoạn 2012-2017 và mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,8%. Trong khi đó, lạm phát bình quân cả năm 2019 chỉ ở mức 2,8% so với mức 3,5% của năm 2018. Thặng dư thương mại ghi nhận kỷ lục 9,9 tỷ USD trong lịch sử kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định được củng cố khi tỷ lệ nợ công/GDP liên tục giảm dần về ngưỡng 57,4% so với mức đỉnh 63,7% năm 2016. Đáng chú ý, 18 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) đáp ứng tiêu chuẩn Basel II với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên ngưỡng 8%.

Trong năm 2020-2021, NHNN vẫn sẽ kiên định với mục tiêu ổn định tài chính và hạn chế dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro.

Nhìn lại tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2 chu kỳ vừa qua, giai đoạn 2000-2020, các chuyên gia VDSC nhận thấy, diễn biến tăng trưởng kinh tế hiện tại đã “lành mạnh hơn” khi vai trò chi phối của tăng trưởng cung tiền đã suy giảm đáng kể.

Tăng trưởng cung tiền được điều chỉnh giảm dần về ngưỡng 12,5% so cùng kỳ, thấp hơn mức trung bình 16% trong 5 năm trước đó. Động lực tăng trưởng kinh tế đến từ nhiều ngành nghề kinh tế khác nhau, gồm sắt thép, lọc dầu, ô tô, thiết bị điện và điện tử, dệt may,...thay vì phụ thuộc lớn vào lĩnh vực bất động sản như trước kia.

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, các chuyên gia VDSC đánh giá sẽ có nhiều thách thức với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 6,8%. Các yếu tố rủi ro nảy sinh từ cả hai phía, bên trong và bên ngoài, do đó sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là điều cấp thiết.

Sản xuất kinh doanh, thương mại và đầu tư xuyên biên giới suy giảm trên quy mô toàn cầu do ảnh hưởng từ các bất ổn địa chính trị tại hầu hết các châu lục. Dưới góc nhìn của giới chuyên gia, biến số kỳ vọng đang nắm vai trò chi phối các hoạt động kể trên.

Nhìn lại kinh tế 20 năm qua: Tăng trưởng đã “lành mạnh hơn” - 2

Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2000-2020

Những dấu hiệu cảnh báo cho năm 2020

Nhìn lại kinh tế Việt Nam trong các tháng gần đây, VDSC lưu ý đến một số điểm cảnh báo cần tiếp tục được theo dõi trong năm 2020. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, theo giá hiện hành, tăng 11,6% trong 11 tháng 2019, thấp hơn mức tăng 12% của cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu GDP, ngành bán buôn, bán lẻ tăng trưởng 7,9% trong năm 2019, mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Trong lĩnh vực sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IPI) và chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) cũng đang cho thấy dấu hiệu suy yếu trong 2 tháng gần đây. Mặc dù kết quả khảo sát doanh nghiệp sản xuất, PMI, vẫn ở trên 50 điểm, ngưỡng mở rộng, nhưng giới phân tích rõ ràng đã nhận thấy sự suy yếu đáng kể trong các tháng tới đây khi số lượng đơn hàng mới thấp hơn và mức độ lạc quan trong kinh doanh của các thành viên được khảo sát sụt giảm.

Với số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành trong tháng 11 chỉ đạt 5,4% so cùng kỳ, qua đó kéo mức tăng trưởng trung bình ba tháng liên tiếp xuống mức 8,2%, thấp nhất kể từ tháng 7/2017. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tác động của các dự án lọc hóa dầu lên tăng trưởng toàn ngành suy yếu trong khi hoạt động sản xuất hàng điện tử của khu vực FDI chậm lại. Điều này được thể hiện thông qua chỉ số sản xuất của Bắc Ninh (giảm 15,8% so cùng kỳ) và Thanh Hóa (giảm 29,7%) trong tháng 11 vừa qua.

Bên cạnh đó, VDSDC cũng nhấn mạnh tới rủi ro về tác động lan truyền của việc thương mại và sản xuất toàn cầu suy giảm ảnh hưởng lên tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của doanh nghiệp trong năm 2020.

Trong khi tiêu dùng hộ gia đình chiếm tới trên 60% tổng quy mô nền kinh tế, đầu tư tư nhân đang đóng vai trò trụ cột thay thế khu vực FDI với mức tăng trưởng 17,2% so cùng kỳ trong 9 tháng 2019. Do đó, để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, các nhà lập pháp cần trả lời câu hỏi cần làm gì để ổn định tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của doanh nghiệp?

Kể từ năm 2020, VDSC tin tưởng rằng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ đồng điệu theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua việc ổn định tâm lý tiêu dùng hộ gia đình và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển.

Dựa trên giả định các chính sách điều hành, phát huy tác động và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung theo chiều hướng tích cực hơn, chuyên gia VDSC dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 sẽ ở trong mức 6,6-6,9%.

Bích Diệp

Tin liên quan