Nhiều cơ sở kinh doanh đã chuẩn bị kịch bản thích nghi thời “hậu Covid-19”
Tại một phòng GYM trên đường Lâm Văn Bền, quận 7 (TPHCM), chúng tôi được người quản lý có thâm niên hơn chục năm chia sẻ về những chuyện thấy, trải nghiệm, thích nghi với dịch Covid-19 mà bản thân anh cho rằng “chưa bao giờ xảy ra”.
“Nghỉ từ 20 tháng 3, chúng tôi nhận thấy tình hình dịch phức tạp nên đã cho phòng tập tạm dừng hoạt động trước vài ngày trước khi có lệnh cách ly. Qua dịch Covid-19 này, chúng tôi nhận thấy lĩnh vực rèn luyện sức khoẻ tại các phòng tập đang dần xuất hiện hành vi tiêu dùng mới và buộc bản thân chúng tôi phải thích nghi. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân sự sẽ có sự sàng lọc mạnh mẽ, bạn nào có khả năng truyền đạt, chăm sóc khách hàng tốt thì ở lại phát triển không thì tự đào thải”, anh Lê Hồng Nhựt, quản lý một phòng GYM trên đường Lâm Văn Bền, quận 7 cho biết.
Tại một phòng GYM, khi nhân viên được cho làm việc online và nghỉ tránh dịch, người quản lý này hàng ngày phải đến vận hành và lau dọn thiết bị.
Theo anh Lê Hồng Nhựt, quản lý tại phòng tập VietGYM (quận 7, TPHCM) đều đáng sợ nhất là các thiết bị điện tử bị côn trùng, mối, chuột tấn công
Anh Nhựt hàng ngày phải tự tay bảo trì toàn bộ thiết bị vì không có nhân viên
“Trong suốt thời gian làm phòng tập tôi chưa bao giờ rơi vào tình huống dở khóc, dở cười như thế này. Nhưng phải cố vì sự an toàn cho mình và cộng đồng”, anh Nhựt chia sẻ.
“Ngày nào mình cũng phải vào phòng tập và vận hành hết tất cả các thiết bị từ điện cho tới cơ, còn hơn đi tập ngày thường”, anh Nhựt chia sẻ chuyện thú vị khi lần đầu thấy phòng GYM giữa mùa đại dịch.
Không có người tập nhưng bề mặt nệm lót phải được lau chùi hàng ngày
Theo anh Nhựt, sau dịch Covid-19, khách hàng sẽ xuất hiện trạng thái e dè khi đến các phòng tập. Chính vì thế, để đưa ra được nhận định tương đối chính xác hành vi tiêu dùng thì cần đến đầu tháng 5 thì phòng GYM mới có điểu chỉnh.
“Hiện tại, chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi đối mặt chi phí mặt bằng và lương nhân viên nhưng chúng tôi buộc phải thích nghi để tồn tại. Có thể, sắp tới là phòng tập không thiết bị, tạm hiểu như một lớp Yoga”, anh Nhựt cho biết.
Ngày 21/4, các hàng quán, cơ sở kinh doanh tại TPHCM đang chờ quyết sách của Chính phủ và lãnh đạo Thành phố, chuẩn bị cho thời điểm lệnh cách ly xã hội hết hiệu lực. Có những nơi chưa mở cửa, trả mặt bằng, có nơi phải tự nghiên cứu để thích ứng với những hành vi tiêu dùng mới sau dịch.
Không riêng các phòng GYM, các hàng quán ăn uống cũng đối mặt với những hành vi tiêu dùng mới. “Chúng tôi phải tự nghiên cứu cách để duy trì việc kinh doanh vì có khách hàng nói với chúng tôi rằng sau kỳ cách ly, họ nhận thấy ít la cà quán xá hơn nên sức khoẻ cải thiện, không phung phí thời gian và tiền bạc”, chủ một quán nhậu trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận chia sẻ.
Nhiều người không trụ nổi với chi phí mặt bằng quá cao, chủ nhà không giảm nên đành phải trả lại mặt bằng và di chuyển đồ đi nơi khác. Hình ảnh loạt xe tải dịch vụ chuyển nhà đang dọn đồ trên đường Cộng Hòa cho thấy điều đó đang dần phổ biến.
Một ngôi chùa nằm giữa ba con đường Trương Quốc Dung- Nguyễn Văn Trỗi- Nguyễn Trọng Tuyển vẫn cửa đóng then cài chưa có động thái chuẩn bị đón phật tử.
Một tiệm hớt tóc trên đường Lý Chính Thắng vẫn đóng cửa, thực hiện nghiêm chỉ thị của Chính phủ
Một người dân phải nằm ngay trên yên xe để ngủ khi quán cà phê phía sau không hoạt động.
Cả nước đang đồng lòng chống dịch với niềm tin tuyệt đối, thế giới đang nhìn thấy một Việt Nam nhạy bén với những quyết sách đúng đắn, việc phải thay đổi để thích nghi thời kỳ “hậu Covid-19” chỉ là vấn đề thời gian.
Phạm Nguyễn - Xuân Hinh