Fica
  1. Thời sự

Nhà thầu nội “so găng”, cạnh tranh khốc liệt tại Dự án cao tốc Bắc - Nam

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Sau khi hủy đấu thầu quốc tế Dự án cao tốc Bắc - Nam, trong tháng 10 này, Bộ Giao thông vận tải sẽ mở bán hồ sơ mời thầu rộng rãi với các nhà đầu tư trong nước. Với 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, dự báo các nhà thầu nội sẽ phải cạnh tranh khốc liệt.

Trao đổi với PV Dân trí về quy trình, tiêu chí đấu thầu trong nước, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (PPP), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - thông tin: Theo quy định, quy trình, thủ tục đấu thầu trong nước không khác đấu thầu quốc tế, chỉ thay đổi về tư cách nhà đầu tư.

“Chỉ bán hồ sơ cho đầu tư trong nước tham gia đấu thầu thi công dự án.. Đó là những nhà đầu tư được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, có pháp nhân và trụ sở tại Việt Nam...” - ông Huy cho hay.

Nhà thầu nội “so găng”, cạnh tranh khốc liệt tại Dự án cao tốc Bắc - Nam - 1

Bắt đầu mở bán hồ sơ 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam, thực hiện theo hình thức PPP

Về năng lực, chất lượng nhà đầu tư nội, Phó Vụ trưởng Vụ PPP nhấn mạnh được quy định rõ, những tiêu chí hàng đầu được quan tâm là các nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể, trong đó về vốn chủ sở hữu quy định là 20%, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án PPP hay đã thực hiện gói thầu về xây dựng hạ tầng...

“Đấu thầu trong nước rộng rãi sẽ phát huy nội lực, tạo công ăn việc làm cho nhà đầu tư nội, trao cơ hội làm các dự án lớn cho nhà đầu tư Việt Nam và giúp doanh nghiệp trong nước lớn mạnh hơn.” - ông Huy bày tỏ tin tưởng.

Trước đó, đề cập tới việc đấu thầu rộng rãi trong nước, Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT - cho biết: Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án (QLDA) thông báo rộng rãi, phát hành hồ sơ mời thầu, sơ tuyển đấu thầu cạnh tranh trong nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, tiêu chí lựa chọn nhà thàu căn cứ vào hành lang pháp lý, đó là Nghị quyết 52 của Quốc hội. 

“Yếu tố rất quan trọng là làm theo quy định của pháp luật và xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 20%. Đấu thầu phải theo quy định của Luật Đấu thầu; Nghị quyết 52 cũng xác định đây là đấu thầu không có bảo lãnh về doanh thu.” - ông Đông nói.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định: Nghị quyết Quốc hội chỉ rõ trong trường hợp đoạn tuyến nào đó không có nhà đầu tư tham dự đấu thầu thì phải báo cáo Thường vụ Quốc hội để chuyển hình thức đầu tư, không chỉ định thầu.

Hồi cuối tháng 9, Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. 

Bộ GTVT khẳng định, việc hủy thầu được căn cứ theo Khoản 2, Điều 17 của Luật Đấu thầu năm 2013, quy định rõ các trường hợp hủy thầu do thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Cao tốc Bắc - Nam phía Đông hủy đấu thầu quốc tế là do thay đổi mục tiêu của Dự án.

Vào thời điểm đó, các Ban Quản lý dự án của Bộ GTVT đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển, trong đó có 15 nhà đầu tư nước ngoài; 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có từ 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.

“Kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thấy số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao.” - Bộ GTVT khẳng định trong quyết định hủy thầu.

Châu Như Quỳnh

Nhà thầu nội “so găng”, cạnh tranh khốc liệt tại Dự án cao tốc Bắc - Nam - 2