Xót xa nhà máy lọc nước “triệu đô” bỏ hoang.
Từ đầu năm đến nay, các tỉnh thành phía Nam chứng kiến tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán lịch sử. Hàng trăm ngàn héc-ta lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, người dân các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau... thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Vừa qua, Chính phủ đã hỗ trợ 5 tỉnh miền Tây bị hạn mặn 350 tỷ đồng để giải quyết tình trạng thiếu nước trong sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, ngay lúc này ở TPHCM lại có một nhà máy xử lý nước lợ thành nước ngọt bị bỏ hoang lãng phí suốt hơn 10 năm qua.
Năm 2008, Công ty cổ phần Đặng Đoàn Nguyễn đầu tư dự án Nhà máy nước sạch Cần Giờ. Khi nhà máy đưa vào sử dụng, người dân Cần Giờ và người dân miền Tây rất vui mừng vì sẽ có thêm một nguồn nước sạch sử dụng.
Không chỉ cung cấp nước cho Cần Giờ, nhà máy nước này còn có thể cung cấp nước cho vùng hạn mặn ở khu vực huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), nơi hơn 8.000 hộ dân đang thiếu nước trầm trọng.
Theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP HCM cấp thời điểm đó, dự án có tổng mức đầu tư 67 tỷ đồng, hoạt động 20 năm được thực hiện theo 3 giai đoạn: Từ 2007 - 2011, mỗi ngày cung cấp 5.000 m3 nước sạch; giai đoạn 2012 - 2016, nâng công suất lên 10.000m3 và từ năm 2017 trở đi là 20.000 m3/ngày.
Nhà máy nước sạch Cần Giờ bỏ hoang.
Thiết bị lọc nước của nhà máy theo công nghệ thẩm thấu ngược (RO), lọc được tất cả các loại vi khuẩn có hại cho sức khỏe và lọc được cả nước biển. Toàn bộ lượng nước này được bán cho Công ty Dịch vụ Công ích huyện Cần Giờ để cung cấp cho người dân.
Do nguồn nước ở khu vực Cần Giờ thời điểm đó bị ngập mặn, để đưa vào sử dụng được, Công ty Đặng Đoàn Nguyễn phải bỏ ra là khoảng 105 tỷ đồng để nâng cấp máy móc.
Năm 2010, công ty Đặng Đoàn Nguyễn xin nâng công suất sớm hơn lộ trình và đầu tư thêm máy móc để phù hợp với điều kiện ô nhiễm môi trường nhưng không được UBND TPHCM đồng thuận.
Năm 2011, công ty Đặng Đoàn Nguyễn tiếp tục xin nâng công suất đúng theo giấy chứng nhận nhưng UBND TPHCM không đồng ý. Nguyên nhân do thành phố đang triển khai lắp đặt đường ống cấp nước từ nội thành qua Cần Giờ.
Cuối năm 2011, UBND TP đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở ngành đàm phán mua lại dự án theo đúng quy chế xã hội hóa. Chủ đầu tư cũng chấp thuận theo chủ trương của UBND TPHCM ngưng hoạt động để bàn giao nhà máy. Tuy vậy, đến nay hoạt động bàn giao vẫn chưa được thực hiện.
Do bị bỏ hoang lâu năm, cơ sở hạ tầng của nhà máy nước đã xuống cấp nghiêm trọng. Các loại máy móc được đầu tư hàng chục tỷ đồng từ thời điểm cách đây hơn 10 năm, nay đã gỉ sét, hư hỏng. Toàn bộ khuôn viên nhà máy rộng hàng ngàn m2 bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Con đường dẫn từ cổng chính vào nhà máy phủ đầy rêu phong, cỏ dại. Bên trái là nhà ăn của nhân viên
Mười năm không hoạt động, công trình dường như hoang phế
Lối dẫn vào xưởng lọc nước tinh khiết
Van dẫn nước sau lọc mặn giờ phủ đầy cỏ dại và han gỉ
Hệ thống bồn chứa cát sỏi lắng giờ không thể phục hồi vì nguyên liệu bên trong đã vón thành cục như khối bê-tông
Hệ thống bảng điện vận hành của bồn lọc hư hỏng nặng
Bên trong một đường ống
Có những thiết bị cho thấy từ lúc mua, vận chuyển, lắp đặt đến giờ vẫn chưa một lần sửa chữa, bảo trì, còn nguyên niêm phong
“Trái tim” của hệ thống lọc có giá trị tính bằng triệu đô
Bể chứa nước ngọt sau lọc mặn phủ bụi thời gian
Chiếc đồng hồ đo áp lực bị nước mặn tràn mặt
Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thụy Đông Đào - Tổng Giám đốc Công ty Đặng Đoàn Nguyễn cho biết: "Hiện giờ công ty đang trong tình trạng sống dở chết dở, không thể làm gì được. Ngân hàng cũng đã kiện công ty ra tòa vì nợ số tiền lớn. Công ty mong muốn UBND TPHCM giải quyết dứt điểm để công ty có hướng xử lý. Hiện công ty gần như tan hoang, rất lãng phí".
Vừa qua, Sở Xây dựng TPHCM đã có văn bản thông tin về sự việc trên, theo đó, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án giải quyết. Sở Tài chính rà soát lại toàn bộ chi phí đầu tư thực tế, xem xét chính sách hỗ trợ cho dự án Nhà máy xử lý nước lợ Cần Giờ tại thông báo họp số 903/TB-VP ngày 6/12/2019. Hiện, các Sở ngành đang nghiên cứu để tham mưu giải pháp cho thành phố đối với nhà máy này.
Theo Sở Xây dựng, nhà máy xử lý nước lợ của Công ty Cp Đặng Đoàn Nguyễn có công suất 5.000 m3/ngày với tổng vốn đầu tư 95 tỷ đồng (ban đầu dự kiến 67 tỷ đồng).
Dự án được miễn, giảm thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thuê mặt nước theo quy định. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 20%/năm trong 10 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động sản xuất và bằng 28% trong những năm tiếp theo.
Dự án được miễn thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Đồng thời được giảm 50% thuế phải nộp trong 3 năm tiếp theo.
Xuân Hinh - Phạm Nguyễn