Đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) rất được các nhà đầu tư quan tâm song vì vướng cơ chế chính sách nên lượng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng còn hạn chế.
Tại Hội nghị Nhóm công tác về cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vừa diễn ra, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết với tình hình hiện tại của nền kinh tế, huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng ngày càng khó khăn khi nợ công đang tăng lên, ngân sách nhà nước ngày càng hạn chế và các khoản vay ODA đang giảm. Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 51/NQ-CP của Chính phủ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hạn chế mức bảo lãnh tối đa của Chính phủ đối với các khoản vay.
Nhiều nhà đầu tư cho biết, đầu tư cao tốc hiện nay đang gặp phải nhiều rủi ro chính sách |
Do đó, việc huy động vốn thông qua việc vay lại các khoản vay nước ngoài của Chính phủ hoặc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh sẽ khó được VEC áp dụng trong tương tương lai. Hiện nay, VEC có một lượng tiền mặt nhất định. Tuy nhiên, không có chính sách để quản lý và sử dụng khoản tiền này để đầu tư vào các dự án mới.
Vì vậy, doanh nghiệp này đề nghị Chính phủ cho phép DN được quản lý tiền mặt nhàn rỗi (sau khi đã trả hết nợ) để tái đầu tư vào kinh doanh, hoạt động và đầu tư vào các dự án mới. Đồng thời, cho phép VEC sử dụng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng thu phí để đầu tư vào các dự án mới (sau khi đã hoàn trả tất cả các khoản nợ).
Về chia sẻ rủi ro, đại diện DN này cũng cho biết thêm, trong quá trình đầu tư vào một dự án đường cao tốc mới, có những rủi ro về lưu lượng giao thông không thể xác định, tỷ giá hối đoái, khả năng chuyển đổi ngoại tệ, lãi suất và chính sách. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam không có cơ chế chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, liên quan tới việc chuyển nhượng khai thác vận hành các dự án đường cao tốc, hiện nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm tới lĩnh vực này. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ hành lang pháp lý chuyển nhượng chưa có.
Theo các nhà đầu tư, thực tiễn việc triển khai thực hiện một số dự án PPP ở Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc từ các quy định trong "khung khổ pháp lý", chẳng hạn như các dự án PPP chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp,... Các luật này được xây dựng hướng tới dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân thuần túy, chưa xét đến đặc thù đầu tư PPP.
Vai trò, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư còn thiếu. Cụ thể, về cơ chế chính sách chia sẻ rủi ro, giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia thực hiện. Trong khi đó, các quy định về chế tài xử lý vi phạm, quyết toán công trình, quyết toán hợp đồng dự án PPP... chưa rõ ràng.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phát triển cơ sở hạ tầng là yêu cầu lớn trong quá trình phát triển của Việt Nam. Nhu cầu lớn nhưng ngân sách Nhà nước còn hạn chế, trong khi phải đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia nên không đầu tư vượt quá mức cho phép. Do vậy, phải huy động vốn từ tư nhân (trong nước và nước ngoài) để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng, đảm bảo cho Việt Nam tăng trưởng nhanh.
Để hoàn thiện khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động đầu tư PPP, tới đây, Chính phủ Việt Nam hướng tới xây dựng Luật PPP, khi đó chắc chắn các dự án sẽ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
An Linh