Vấn đề nói trên được nêu trong báo cáo Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam” của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội vừa gửi tới các đại biểu. Quốc hội sẽ thảo luận về vấn đề này vào sáng nay (14/11).
Không “phân biệt đối xử”
Theo Ủy ban Đối ngoại, hiện có 25 văn bản Luật, dưới Luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư, kinh doanh và có liên quan đến đến lĩnh vực này của người nước ngoài (NNN) tại Việt Nam.
Từ năm 2016 đến tháng 10/2019, đã có 11.595 dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 69,29 tỷ USD. Trong giai đoạn này, số vốn giải ngân tăng đều qua các năm, từ 14,5 tỷ năm 2015, tăng lên 15,8 tỷ năm 2016, 17,5 tỷ năm 2017 và 19,1 tỷ năm 2018. Đây là mức tăng kỷ lục về vốn thực hiện trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, Luật Đầu tư năm 2014 đã xóa bỏ “phân biệt đối xử” đối với nhà đầu tư nước ngoài, tạo mặt bằng pháp lý bình đẳng về quyền thành lập doanh nghiệp và thực hiện hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Theo đó, trừ một số hạn chế về tỷ lệ vốn góp và phạm vi hoạt động theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài được quyền thành lập tất cả các loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam với tỷ lệ sở hữu không hạn chế và thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định áp dụng thống nhất đối với nhà đầu tư trong nước.
Việt Nam đạt kỷ lục về vốn thực hiện trong thu hút đầu tư nước ngoài (ảnh: Đầu tư)
Báo cáo giám sát chỉ rõ việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý NNN tại Việt Nam chưa quy định điều chỉnh một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn như sáp nhập, hợp nhất, mở rộng dự án, cơ chế quyết toán vốn đầu tư; giám định giá, chất lượng máy móc thiết bị nhập khẩu, tài sản cố định.
Ủy ban Đối ngoại cũng cho rằng Luật chưa quy định khái niệm: “tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ tiêu chí về quyền kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với tiêu chí xác định công ty mẹ con quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Đầu tư kiểu “núp bóng” (!?)
Theo Ủy ban Đối ngoại, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường cũng điều chỉnh hoạt động đầu tư với phạm vi và mức độ khác nhau nhưng chưa phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc phân định hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư và hoạt động đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật nêu trên.
“Việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp ngày một gia tăng với quy mô lớn trong khi Luật Đầu tư quy định đơn giản về thủ tục; không bắt buộc nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư gây khó khăn cho cơ quan nhà nước quản lý việc góp vốn tại doanh nghiệp dễ dẫn đến tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng””. - báo cáo của Ủy ban Đối ngoại nêu rõ.
Cơ quan này dẫn chứng về các vụ khiếu kiện, tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài với các cơ quan quản lý Nhà nước và Chính phủ gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, tốn kém về thời gian và nguồn lực xử lý. Tính đến năm 2018, đã có 6 vụ việc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện nhà nước Việt Nam, ngoài ra một số vụ việc khác nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định khởi kiện.
Các doanh nghiệp nước ngoài cũng dùng “chiêu” chuyển giá, liên tục báo lỗ để “trốn” thuế (ảnh minh họa: TTXVN)
Về việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của một số doanh nghiệp nước ngoài chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng. Hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài kê khai, báo lỗ khá phổ biến do nhiều nguyên nhân, trong đó có hành vi chuyển giá.
Trong khi đó, Luật Quản lý thuế hiện hành chưa có quy định về hoạt động chuyển giá, các hoạt động giao dịch xuyên biên giới, các biện pháp chống suy thoái nguồn thu. Hoạt động chuyển giá, việc quản lý thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới hiện nay chưa được quy định tại Luật Kế toán năm 2015, Luật Quản lý thuế năm 2019 và Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.
Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư về khái niệm về đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc sáp nhập, hợp nhất, mở rộng dự án, cơ chế quyết toán vốn đầu tư; giám định giá, chất lượng máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định; danh mục ngành nghề không thu hút hoặc hạn chế áp dụng riêng đối với đầu tư nước ngoài; khái niệm: “tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài”.
Đối với Chính phủ, cơ quan ngày kiến ngh giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định chưa phù hợp, chưa đầy đủ, tiếp tục nội luật hóa theo các cam kết quốc tế, tham mưu Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan đến lĩnh vực đầu tư và kinh doanh của NNN tại Việt Nam; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; quản lý đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư.
Châu Như Quỳnh