Fica
  1. Thời sự

Ngành sản xuất của Việt Nam chuyển biến tích cực trong tháng 11

Mai Chi
Mai Chi

Nguyên nhân của việc sản lượng tăng trở lại đến từ việc số lượng đơn đặt hàng mới tăng và tăng nhanh hơn so với tháng trước. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu cũng tăng mạnh hơn trong tháng 11.

Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo được IHS Markit công bố vào rạng sáng nay (2/12/2019), chỉ số PMI của Việt Nam đạt mức 51 trong tháng 11, tăng so với mức 50 của tháng 10. Điều này cho thấy chuyển biến tích cực trong lĩnh vực sản xuất.

Cũng theo báo cáo của IHS Markit, sản lượng sản xuất trong tháng 11 đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong tháng 9 và tháng 10.

Nguyên nhân của việc sản lượng tăng trở lại đến từ việc số lượng đơn đặt hàng mới tăng và tăng nhanh hơn so với tháng trước. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu cũng tăng mạnh hơn trong tháng 11.

Việc số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh trong tháng 11 cũng giúp cho việc làm tăng trở lại sau 2 tháng giảm nhẹ. Nhu cầu tăng đã kích thích hoạt động mua hàng hóa đầu vào.

Theo khảo sát của IHS Markit, hoạt động mua hàng đầu vào tăng nhẹ so với tháng trước. Chi phí đầu vào chỉ tăng nhẹ ở tốc độ chậm nhất trong thời kỳ tăng kéo dài 11 tháng vừa qua.

Theo BVSC, điều này cho thấy lĩnh vực sản xuất không phải chịu nhiều áp lực lạm phát giá cả đầu vào. Bên cạnh đó, cũng cho phép các doanh nghiệp sản xuất có thể bán cho khách hàng với giá chiết khấu. 

Thực tế này đã được thể hiện trong việc giá cả mặt hàng đầu ra giảm. Hàng tồn kho thành phẩm cũng giảm trong tháng 11 và là tháng thứ hai liên tiếp giảm.

Mặc dù chỉ số PMI của Việt Nam tăng trở lại, nhưng sự lạc quan trong kinh doanh có phần giảm so với tháng 10, khi chỉ có khoảng 40% số người tham gia khảo sát dự báo sản lượng sản xuất sẽ tiếp tục trong trong năm tới.

Sự lạc quan này, theo phân tích của IHS, đến từ kỳ vọng rằng số lượng đơn đặt hàng mới sẽ tiếp tục gia tăng và năng lượng sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất sẽ được nâng cao và cải thiện đáng kể trong thời gian tới.

M.C