Cụ thể, mục tiêu trước mắt năm 2025, Việt Nam duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã.
Bộ Chính trị ra Nghị quyết về Cách mạng 4.0
Trên cơ sở yêu cầu phát triển hạ tầng Cách mạng 4.0, Bộ Chính trị khẳng định kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm.
Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Thời gian này, Việt Nam phải nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Năm 2030, Việt Nam phải đứng nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị vạch rõ Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á.
Đặc biệt, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, Việt Nam phải có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Bộ Chính trị khẳng định Cuộc Cách mạng 4.0 mang lại cả cơ hội và thách thức. Chính vì vậy, Việt Nam phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là một số ngành trọng điểm, có tiềm năng... làm động lực cho tăng trưởng, bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.
Chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp.
Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Tránh mọi biểu hiện bàng quan, thiếu tự tin, thụ động, nhưng không chủ quan, nóng vội, duy ý chí.
Nghị quyết Bộ Chính trị nêu rõ, chủ động tham gia Cách mạng 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Sắp tới, ngày 2 - 3/10, Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 (Industry 4.0 Summit 2019) sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Sự kiện do Ban Kinh tế trung ương, phối hợp với các cơ quan trung ương tổ chức được cho là tiếp thu các ý kiến của giới chuyên gia thế giới và Việt Nam để cụ thể hóa các chương trình nghị sự, hiện thực hóa chính sách phát triển 4.0 của Việt Nam ở nhiều ngành và lĩnh vực nước ta.
Sự kiện được kỳ vọng sẽ thu hút 1.500 khách mời, có hàng trăm doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, quy mô người tham dự được cho lên đến gần 4.000 người với 5 phiên hội thảo, diễn đàn chuyên đề cùng triển lãm trung bày, chào mời hợp tác của các doanh nghiệp.
Nguyễn Tuyền