Fica
  1. Thời sự

“Mưu mẹo” của thương lái Trung Quốc; Vinasun “tố” Bộ Giao thông

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cách thức làm ăn mới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay của thương lái Trung Quốc là sang Việt Nam đặt may gia công rồi xuất ngược trở lại đang được nhiều độc giả quan tâm trong tuần qua. Đồng thời, thông tin Vinasun “tố” Bộ GTVT gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách cũng gây “sốc” dư luận.

Thương lái Trung Quốc sang Việt Nam đặt may gia công rồi xuất ngược lại

Anh V.N.M. (Gia Lâm, Hà Nội) là chủ một xưởng chuyên may sơ mi, gần đây nhận được khá nhiều đơn hàng từ khách Trung Quốc. Anh cho biết: “Thương lái Trung Quốc mang vải từ bên đó sang đặt tôi may gia công, sau đó gắn nhãn mác tiếng Trung Quốc vào. Họ lấy hàng rồi đóng gói như hàng sản xuất tại Trung Quốc, rồi xuất ngược trở lại Trung Quốc.”

Hàng Việt Nam gia công được đưa về Trung Quốc bán, rồi lại được doanh nghiệp Việt Nam... mua lại

Hàng Việt Nam gia công được đưa về Trung Quốc bán, rồi lại được doanh nghiệp Việt Nam... mua lại

“Loại hàng đẹp, làm kĩ càng sẽ được bán tại thị trường nội địa Trung Quốc với giá cao hơn ít nhất là 3 lần so với giá nhập của tôi. Còn với loại hàng kém chất lượng hơn sẽ đẩy về các chợ đầu mối cực lớn ở Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc”, anh M. nói.

Cũng theo anh M.: “Hàng về đến các chợ đầu mối nổi tiếng đó, thương lái Trung Quốc sẽ bán với giá cao gấp 2 lần. Nhưng buồn một nỗi, lái buôn sang mua hàng rất nhiều người Việt. Họ lại sang nhập chính hàng đó mang về Việt Nam bán.”

Đây đang là cách thức làm ăn mới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay của thương lái Trung Quốc.

Không vì Trung Quốc phá giá nhân dân tệ mà điều chỉnh giá tiền đồng Việt Nam

Trả lời câu hỏi của báo giới xung quanh việc Trung Quốc đang chủ động phá giá đồng nhân dân tệ, Việt Nam có nên phá giá tiền đồng để đảm bảo cân bằng thương mại với Trung Quốc, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Tỷ giá được quản lý dựa trên mối quan hệ với các đồng tiền trên thế giới, không chỉ vì Trung Quốc phá giá nhân dân tệ mà phá giá tiền đồng.

"Đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh, đây là điều không chỉ đáng lưu ý với NHNN mà còn đáng quan tâm với nhiều NH các nền kinh tế khác. Chúng ta đang có mối quan hệ thương mại với nhiều nước trên thế giới nên không chỉ vì đồng Nhân dân tệ phá giá mà còn phải theo quan hệ thương mại với nhiều nước lớn khác", bà Hồng nói.

Phát hiện hàng nghìn văn bản trái luật gây hậu quả xấu cho doanh nghiệp

Trong năm 2017, Bộ Tư pháp kiểm tra theo thẩm quyền và phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật, gồm 1.236 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày. Còn lại khoảng 574 văn bản không phải là quy phạp pháp luật nhưng lại chứa quy phạm pháp luật.

Văn bản trái luật gây hậu quả xấu cho doanh nghiệp

Văn bản trái luật gây hậu quả xấu cho doanh nghiệp

Bộ này cho biết dựa trên các con số thống kê kể trên có thể nhận thấy các văn bản trái pháp luật được phát hiện ở hầu hết các lĩnh vực khác nhau là khá lớn, gây ra các thiệt hại, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội…

Điều đáng nói là, ngay tại Bộ Tư Pháp, năm 2017, cơ quan này cũng có tới 157 văn bản bị phát hiện trái luật về nội dung thẩm quyền. Trong đó 26 văn bản của Bộ trưởng, 131 văn bản còn lại của Thủ tưởng cơ quan ngang bộ , HĐND, UBND cấp tỉnh.

Bộ Giao thông Vận tải lại bị Vinasun “tố” gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách

Không chấp nhận cách giải thích từ Bộ Giao thông Vận tải, Vinasun tiếp tục có văn bản gửi các đơn vị chức năng "tố" Bộ này đã làm méo mó mô hình vận tải, gây hệ lụy lâu dài và là thủ phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách.

Vinasun cho rằng: Bộ GTVT đã không đảm bảo cơ sở thực tiễn, khoa học, khách quan, đã cố tình bảo vệ và đánh giá sai lệch đề án thí điểm mô hình xe hợp đồng điện tử và Công ty TNHH Grab Taxi theo Quyết định số 24.

Không những thế, việc Uber được cho phép hoạt động và được dễ dàng rút khỏi Việt Nam với khoản tiền kếch xù, bỏ lại khoản thuế truy thu 53 tỷ đồng mà Grab tuyên bố không chịu trách nhiệm, bỏ lại hàng nghìn lao động mất việc làm đã đặt ra câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?

Kiểm tra chuỗi siêu thị Con Cưng, Cục Quản lý thị trường: Doanh nghiệp sai rồi!

Trả lời phóng viên Dân Trí về việc chuỗi siêu thị Con Cưng treo thưởng 1 tỷ đồng cho khách hàng nếu phát hiện hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương khẳng định: Doanh nghiệp này có 7 sai phạm và sai phạm đã rõ, gồm:

Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ; kinh doanh hàng hóa ghi nhãn trong nước Made in Vietnam nhưng không được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt, mà bằng tiếng nước ngoài, ký tự Latin.

Có nhãn mác đè nhãn mác khác, nhập nhèm truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Bán các loại sữa quảng cáo là sử dụng công nghệ Đức nhưng không phải công nghệ Đức. Bán và lưu hành mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép; Kinh doanh hàng hóa mang nhãn không đủ quy định bắt buộc.

Đại diện Cục Quản lý Thị trường khẳng định: Tại thời điểm kiểm tra, Con Cưng thực hiện rất nhiều khuyến mại, nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng mình được phép khuyến mại.

Người dân chung cư Hà Nội khốn khổ vì dùng nước bẩn suốt nhiều năm

Trong nhiều ngày qua, một loạt các toà nhà thuộc khu đô thị mới Tân Tây Đô đã phủ một “màu đỏ” bởi băng rôn yêu cầu chủ đầu tư cấp phát nước sạch.

Theo phản ánh của cư dân, nước sinh hoạt mà họ sử dụng có hàm lượng asen cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tình trạng này đã diễn ra suốt nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Đáng lưu ý, các cư dân cho biết cũng đã nhiều lần kiến nghị, đấu tranh, yêu cầu chủ đầu tư cung cấp nước sạch nhưng vẫn không được giải quyết triệt để. Trong khi đây là vấn đề cực kỳ cấp thiết vì liên quan đến an toàn sức khoẻ của cả nghìn hộ dân.

Vụ công ty tiền ảo Sky Mining bị tố lừa đảo: Hơn 500 lá đơn kêu cứu khẩn thiết

Sáng ngày 1/8, hàng chục nhà đầu tư vẫn đổ về trụ sở công ty Sky Mining để nghe ngóng thông tin về ông Lê Minh Tâm - Chủ công ty đầu tư máy đào tiền ảo Sky Mining. Tổng hợp đơn thư của các nhà đầu tư có thể số tiền ông Tâm mang theo khi bỏ trốn lên tới 1.000 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư khác tại các tỉnh miền Tây cũng đang đổ xô về TPHCM để gửi đơn đến cơ quan chức năng.

Nhiều người nguy cơ mất tiền lớn trong vụ đầu tư vào Sky Minning

Nhiều người nguy cơ mất tiền lớn trong vụ đầu tư vào Sky Minning

Ghi nhận trụ sở công ty Sky Mining, gần 1 tuần trôi qua tâm lý các nhà đầu tư vẫn khá hoang mang. Nhiều người bỏ công ăn việc làm cả tuần qua để gửi đơn thư khắp nơi cầu cứu cơ quan chức năng.

Theo các nhà đầu tư thì họ được Sky Mining mời gọi tham gia đầu tư vào máy đào tiền ảo để sinh lợi nhuận. Họ chuyển tiền mặt cho ông Tâm rồi sau đó tuỳ theo gói đầu tư ông Tâm phân chia lợi nhuận hàng tháng cho nhà đầu tư. Tuy vậy, ông Tâm cũng chỉ chuyển các đồng coin do máy đào ra về cho nhà đầu tư chứ không trả tiền mặt.

So với năm ngoái, một máy đào Bitcoin có giá hàng trăm triệu mỗi máy. Đối với những dòng máy "khủng" có giá lên tới 500 triệu, thậm chí 1 tỉ đồng. Tuy vậy, thời gian qua đồng coin liên tục rớt giá khiến giá máy đào cũng rớt thê thảm. Nhiều loại máy mua mới được "thổi" lên 500 triệu đồng thì nay chỉ có thể bán được vài triệu đồng. Nếu lúc này, Sky Mining trả lại máy cho nhà đầu tư thì họ cũng đã "lỗ sặc máu".

Trên 57.000 chủ nhà trọ chưa ký cam kết bán đúng giá điện cho người thuê nhà

Đây là số liệu được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống kê tại các tỉnh thành trong cả nước trong đợt kiểm tra mới đây.

Cụ thể, trong số gần 163.000 chủ nhà có nhà trọ cho thuê thì có 57.000 chủ nhà trọ chưa ký cam kết là các trường hợp chủ nhà đi vắng, hoặc chưa chịu thực hiện ký cam kết.

Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra, các đơn vị điện lực đã lập 21 biên bản vi phạm hành chính, trong đó có 11 biên bản vi phạm ở phía Bắc, 10 biên bản còn lại ở khu vực phía Nam. Có khoảng 4 trường hợp vi phạm hành chính và bị phạt số tiền khoảng 16 triệu đồng.

Bích Diệp (tổng hợp)