Kiếm bội tiền
Ngày độc thân (11/11) đang dần trở thành một sự kiện tiếp thị mang tính toàn cầu được các nhà bán lẻ áp dụng rất thành công bên ngoài thị trường Trung Quốc.
Báo cáo thống kê của nền tảng tiếp thị trực tuyến Criteo cho thấy, mức tăng doanh số và lưu lượng bán lẻ trực tuyến ở ngày độc thân 2019 tại Việt Nam lần lượt là 117% và 55%. Thời trang và đồ cao cấp là những ngành hàng có doanh số bán tăng vọt 118%; doanh số bán lẻ máy tính, hàng công nghệ cũng tăng 114%.
Lễ hội mua sắm ngày độc thân 11/11 năm nay tiếp tục ghi nhận nhiều kỷ lục về số lượng và doanh thu. Thống kê của Lazada cho thấy, người dùng đã dành gần 175.000 giờ tương tác. Số lượng son bán ra đủ cho 8.000 phụ nữ sử dụng trong 3 năm. Số lượng điện thoại bán ra trong 2 giờ đầu tiên đủ để xếp một đường thẳng dài 9,2km.
Hàng trăm nghìn lít nước giặt bán ra đủ cho 5 triệu hộ gia đình sử dụng trong 1 ngày. Số lượng tã bán ra đủ cho 600.000 em bé sử dụng trong 1 ngày. Số lượng thịt và rau bán ra đủ cho 5.000 hộ gia đình sử dụng trong 1 ngày.
Đơn hàng sau ngày 11/11
Shopee cho hay, nhu cầu về các thiết bị điện tử tăng cao với hơn 8.000 điện thoại thông minh Xiaomi Redmi Note 9S được bán ra tại sự kiện 11/11 Siêu Sale; sản phẩm thuộc ngành hàng Health and Beauty tiếp tục bán chạy. "Một nhà bán hàng thuộc ngành hàng thời trang đã đạt được doanh thu hơn 2 tỷ đồng trong ngày 11/11" - đại diện Shopee tiết lộ.
Các nền tảng thương mại điện tử khác như Tiki, Sendo hay các doanh nghiệp chuyên doanh ngành hàng như điện thoại điện máy (Thế Giới Di Động, FPT Shop); thời trang (Uniqlo, Adidas, Nike... ) hay mỹ phẩm, làm đẹp cũng đều tung ra ưu đãi với giá trị hấp dẫn trên chính website bán hàng của họ nhân ngày 11/11.
Chris Feng, Giám đốc điều hành tại Shopee, khẳng định nền tảng này muốn "biến một hiện tượng mang tính toàn cầu thành một hiện tượng thuộc về khu vực. Điều này sẽ được tiếp tục đà thành công của các sự kiện ngày 9/9 và ngày 10/10".
Ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết, sàn này đẩy mạnh hoạt động tương tác với khách hàng thông qua chuỗi hoạt động Shoppertainment mới lạ và giàu tính giải trí hơn. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác để hỗ trợ họ thúc đẩy doanh thu trong mùa lễ hội mua sắm cuối năm,” ông James Dong nói.
Cuộc đua giữa các đại gia
Theo số liệu bản đồ thương mại điện tử Việt Nam mới được iPrice Group công bố, lượng truy cập web của Shopee trong quý 3/2020 vừa qua đạt 62,7 triệu lượt, tăng hơn 10 triệu lượt so với quý 2/2020 và là quý tăng mạnh nhất từ trước tới nay. Shopee đứng đầu về lượng truy cập suốt 9 quý liên tiếp, kể từ khi vượt mặt Lazada hồi quý 3/2018.
Đứng thứ hai và thứ ba là Tiki và Lazada, khi hai sàn thương mại điện tử này cùng có lượng truy cập trở lại. Đối với Tiki, lượng truy cập tăng lên 22,6 triệu lượt sau khi liên tục sụt giảm 6 quý liên tiếp trước đó. Lazada đạt 20,2 triệu lượt truy cập, tăng 9% so với tháng trước.
Mặc dù Tiki và Lazada cùng hồi phục trở lại, nhưng nếu so với Shopee, lượng truy cập của hai trang thương mại điện tử này chỉ bằng 1/3 so với đối thủ.
Trong khi Shopee, Tiki và Lazada cùng tăng trưởng truy cập thì Sendo của FPT lại tỏ ra hụt hơi khi lượng truy cập tiếp tục giảm, xuống 14,1 triệu lượt, thấp nhất kể từ khi iPrice đưa ra các con số thống kê. Đây là quý giảm thứ 4 liên tiếp của Sendo, sau khi từng lập đỉnh 30,9 triệu lượt trong quý 3 năm ngoái.
Thương mại điện tử hiện là ngành đóng góp lớn nhất vào cơ cấu của nền kinh tế số Đông Nam Á, tăng 63%, đạt 62 tỷ USD trong năm nay và dự kiến lên tới 172 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo mới nhất về kinh tế số Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain.
Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng mức hai con số. Riêng nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng 16% trong năm nay, đạt giá trị 14 tỷ USD dựa vào chất xúc tác là đại dịch Covid-19, và dự kiến đạt 52 tỷ USD vào năm 2025.
Theo Thư Kỳ
VietnamNet