Theo đại diện của Ban Kinh tế trung ương, hiện không gian mạng trở thành “không gian chiến lược mới”, “vùng lãnh thổ đặc biệt” gắn chặt chẽ với các chủ quyền về đất liền, biển đảo, trên không, vũ trụ.
Nhiều nước hiện coi an ninh mạng là là ưu tiên hàng đầu của các nước trên tất cả các cấp độ: Chính phủ, doanh nghiệp cho đến người dân để xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thế giới có thể mất ít nhất 11,4 triệu USD/phút vì các vấn đề vi phạm an ninh mạng trong năm 2021 |
"Cùng với sự gia tăng ứng dụng trên không gian mạng, các hoạt động tội phạm, tình báo và đặc biệt đánh cắp thông tin qua tấn công mạng qua những mã độc ngày càng tinh vi hơn", ông Nguyễn Đức Hiển cho biết.
Theo ông này, thực tiễn cho thấy, thế giới đang phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng ngày càng nguy hiểm, tinh vi hơn. Để an toàn hơn trên không gian mạng, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng phải luôn sẵn sàng để ứng phó các nguy cơ, mối đe dọa.
Ông Hiển cho rằng, một số nghiên cứu quốc tế dự báo năm 2021 các chi phí liên quan đến vấn đề vi phạm bảo mật, tội phạm mạng, an ninh mạng sẽ tiêu tốn của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới 24,7 đô la mỗi phút, tăng 2 USD so với năm 2020. Điều này có nghĩa, thế giới sẽ mất ít nhất 11,4 triệu đô la mỗi phút cho các vấn đề liên quan đến vi phạm an ninh mạng trong năm 2021, tăng 100% so với năm 2015.
Chuyên gia của Ban Kinh tế dẫn cảnh báo thế giới cứ mỗi phút sẽ có 1,5 cuộc tấn công vào máy tính có kết nối Internet, 375 mối đe dọa mới được phát hiện, 16.172 bản ghi dữ liệu bị xâm phạm, 35 email spam COVID-19 được phân tích…
"Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 10 tháng đầu năm 2020, số lượng cuộc tấn công mạng gây ra sự cố đã ghi nhận là 4.161 cuộc, trung bình 1 ngày chúng ta đã cảnh báo và xử lý cho khoảng 14 cuộc tấn công mạng", ông Hiển nói.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho rằng, phải bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin bằng sản phẩm của Việt Nam sản xuất, bởi nếu sử dụng các sản phẩm không tin cậy sẽ gây nên nguy cơ về an toàn thông tin và định hướng lâu dài, nằm trong cả một chương trình tổng thể.
"Điều này có nghĩa muốn trở thành một cường quốc về an ninh mạng, Việt Nam phải làm chủ hệ sinh thái về sản phẩm về an ninh mạng”, ông Lịch cho biết.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam nói: “Khi các doanh nghiệp Việt Nam chủ động cung ứng hoặc tiếp nhận các giải pháp an ninh, bảo mật, điều đó là dấu hiệu tốt để Việt Nam từng bước kiểm soát và làm chủ bức tranh an toàn bảo mật của Việt Nam”.
An Linh