Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu vừa chủ trì cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đánh giá, việc sớm ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết để Đà Nẵng có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn và xứng đáng là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về 2 nhóm chính sách lớn gồm: Cơ chế chính sách để phát triển thành phố (quản lý quy hoạch, huy động vốn đầu tư phát triển, tài chính ngân sách, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu phát triển) và thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Trong đó, cơ quan chủ trì soạn thảo – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghiêng về phương án xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận và phường).
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu các nội dung, chính sách của dự thảo Nghị quyết cần tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật hiện hành.
“Để thành phố Đà Nẵng trở thành đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển song phải phù hợp với bối cảnh thực tế phát triển của địa phương, đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn khác trong cả nước đồng thời bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước”- ông Hiếu lưu ý.
Mô hình chính quyền đô thị được đề xuất lựa chọn
Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 phương án để xin ý kiến: Phương án 1, xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận và phường); Phương án 2, xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND (cấp thành phố, cấp quận, huyện, xã) và 1 cấp hành chính (áp dụng đối với phường thuộc quận).
“Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm tổ chức mô hình quản lý chính quyền đô thị tại Đà Nẵng và phân tích ưu điểm, nhược điểm của mỗi phương án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêng về phương án 1, cũng là phương án mà UBND TP Đà Nẵng đã đề xuất”- tờ trình nêu.
Theo phương án 1, do không tổ chức HĐND cấp quận nên bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Chủ tịch UBND thành phố được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ và cách chức Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND quận, huyện (trừ trường hợp đối với huyện Hòa Vang được thực hiện theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương).
Việc quy định thí điểm không tổ chức HĐND quận tại Đà Nẵng bắt đầu thực hiện từ nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, tại những nơi thí điểm, HĐND quận chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc.
UBND quận nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND quận nhiệm kỳ 2021-2026 được thành lập. Tuy nhiên, chỉ áp dụng mô hình không tổ chức HĐNQ ở các quận. Riêng đối với huyện Hòa Vang, vẫn tiếp tục duy trì một cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm HĐND và UBND huyện.
Chính quyền địa phương ở các quận là UBND quận. UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.
UBND quận gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, Trưởng công an quận, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự quận. Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND quận là công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý của UBND quận.
Do không tổ chức HĐND ở phường nên bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Chủ tịch UBND quận được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ và cách chức Chủ tịch UBND phường, Phó chủ tịch UBND phường.
Ở những nơi thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc. Tuy nhiên chỉ áp dụng mô hình không tổ chức HĐND ở các phường đô thị, tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND phường. Đối với các xã ở huyện Hòa Vang vẫn tiếp tục duy trì một cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm HĐND và UBND xã.
Một góc thành phố Đà Nẵng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là mô hình chính quyền mà Đà Nẵng đã được chọn thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 7 quận, huyện và 45 phường; có kết quả tốt trong giai đoạn 2009-2016 và cơ bản tạo được sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức và tầng lớp nhân dân thành phố.
Kết quả điều tra xã hội học của UBND TP Đà Nẵng (500 phiếu khảo sát) cũng cho thấy, có 84% đồng ý không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường; gần 69% ý kiến của người dân cho rằng việc thực hiện thí điểm không ảnh hưởng đến việc đảm bảo quyền đại diện và làm chủ của người dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, phương án 1 phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị trên địa bàn quản lý nhỏ gọn, số lượng đơn vị hành chính cấp quận ít (có 6 quận) nếu so sánh với thành phố Hà Nội và TPHCM.
Thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng theo phương án này sẽ tạo thuận lợi nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị, tác động tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội của Đà Nẵng.
Thế Kha