Cùng tham dự lễ công bố, phía Việt Nam có lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Tư lệnh Quân khu 1 - Bộ Quốc phòng, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Phía Trung Quốc có ông Tôn Đại Vỹ - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Bí thư Khu ủy Quảng Tây - Trung Quốc, lãnh đạo tỉnh Quảng Tây và nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây - Trung Quốc.
Tại buổi lễ, Quốc thiều hai nước được cử hành trang trọng. Ủy viên Bộ chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vương Đình Huệ đã tuyên bố chính thức mở cửa và phát lệnh thông thương cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo triển khai các hoạt động công bố mở cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm
Cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn được thông thương chiều 10/9
Trong những năm qua, quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Lạng Sơn và Quảng Tây luôn được tăng cường thúc đẩy, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên mọi mặt. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, lượng khách du lịch qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn luôn duy trì đà tăng trưởng cao.
Tại Lạng Sơn hàng năm đã thu hút khoảng gần 3.000 doanh nghiệp của Việt Nam tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt hơn 8 tỷ USD.
Cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm được mở với sự đồng ý của Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc và các bộ, ngành Trung ương hai nước. Đến nay, hai bên đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các thủ tục nội bộ để chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo Quảng Tây, Lạng Sơn thực hiện nghi thức cắt băng chính thức mở cửa cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm
Nghệ sỹ hai nước biểu diễn chung bài hát Việt Nam - Trung Hoa, chào mừng sự kiện quan trọng
Hai cô gái Việt Nam và Trung Quốc trước nghi lễ giao thương qua cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm
Ông Tôn Đại Vỹ - Phó Bí thư Khu ủy Quảng Tây - Trung Quốc - cho hay: Việt Nam và Quảng Tây núi liền núi, sông liền sông, giao thương đi lại mật thiết. Cách đây hơn 100 năm, Chi Ma đã là cửa khẩu giao thương của Việt Nam và Trung Quốc, là cửa khẩu có vai trò quan trọng trong mậu dịch quốc tế.
“Hiện nay, Việt Nam là đối tác mậu dịch lâu năm và lớn nhất của tỉnh Quảng Tây, tổng kim ngạch mậu dịch của hai bên bằng 1/3 tổng kim ngạch giữa hai nước Trung Quốc - Việt Nam. Chúng tôi sẽ cùng với Lạng Sơn phát huy thế mạnh của mình, xây dựng cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm là cửa ngõ thương mại chính, hai bên cùng trao đổi, chia sẻ, cùng phát triển và góp phần kết nối tình hữu nghị giữa hai nước Trung - Việt. Cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm chắc chắn sẽ xúc tiến giao thương tốt hơn nữa giữa hai địa phương có cặp cửa khẩu, thúc đẩy kinh tế phát triển hơn nữa, đem lại lợi ích cho hai bên.” - Phó Bí thư Khu ủy Quảng Tây - Trung Quốc nói.
Lực lượng chức năng làm việc tại cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn
Khu vực làm thủ tục nhập cảnh và xuất cảnh của 2 bên Việt Nam - Trung Quốc
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cho biết: Việc chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm là một dấu mốc quan trọng khẳng định sự phát triển của quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc nói chung, giữa tỉnh Lạng Sơn với Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây nói riêng. Cặp cửa khẩu sẽ tiếp tục góp phần củng cố và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong việc thúc đẩy giao thương hàng hóa, hợp tác du lịch, giao lưu nhân dân...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đây là thời cơ thuận lợi để doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giao lưu hợp tác. Các cơ quan chức năng liên quan của hai bên tăng cường phối hợp quản lý, khai thác vận hành có hiệu quả cặp cửa khẩu song phương này, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đầu tư tại khu vực cửa khẩu, cũng như giải quyết hài hòa, thỏa đáng các vấn đề liên quan, thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, phát huy tối đa công năng của cửa khẩu song phương, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm nơi làm thủ tục, kiểm tra xuất - nhập cảnh tại cửa khẩu Chi Ma
Nhân dân địa phương của hai nước vui mừng tham dự sự kiện thông thương cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn
Những chuyến xe vận tải đầu tiên thực hiện giao thương qua cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn, chiều 10/9
Được biết, tại Lạng Sơn hiện có 12 cửa khẩu đang hoạt động, thông thương với Trung Quốc.
Châu Như Quỳnh