Chiều nay (12/9), tại Tọa đàm “Bay thẳng tới Côn Đảo: Trải nghiệm thiên đường du lịch mới”, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định, sự kiện hãng hàng không Bamboo Airways mở 3 đường bay thẳng tới Côn Đảo là cú hích lớn đánh thức "hòn ngọc Viễn Đông".
Ông Hàng cho cho biết, năm 2019 thu ngân sách của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ 3 cả nước chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. Tỉnh có thế mạnh về biển, địa hình núi sông. Dù điều kiện hạ tầng còn hạn chế song địa phương này xác định 4 mũi nhọn kinh tế gồm công nghiệp, cảng biển, du lịch và công nghệ cao.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận, hiện nay, cơ sở hạ tầng ở Côn Đảo chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Tỉnh luôn mong các doanh nghiệp đến đầu tư và phát triển.
Thế nên, sự kiện hãng hàng không Bamboo Airways mở 3 đường bay thẳng tới Côn Đảo là một trong những bước nhảy để phát triển du lịch. Bởi ngành công nghiệp không khói này đang đóng góp tới 80% GDP cho địa phương.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, việc mở 3 đường bay thẳng tới Côn Đảo là cú hích phát triển lớn
Thông tin thêm, ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, lợi thế lớn nhất của địa phương chính là cảnh quan tự nhiên, môi trường và du lịch sinh thái.
Hơn nữa, Côn Đảo nổi tiếng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 870/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Các di tích lịch sử cấp quốc gia, di tích địa ngục trần gian, câu chuyện về các chiến sỹ sẽ tạo nên sức hút, thôi thúc khách du lịch tìm đến Côn Đảo, bất chấp những bất tiện về giao thông kết nối với đất liền. Do đó, du lịch văn hoá lịch sử tâm linh là sản phẩm chủ lực thứ 2" - ông Nhựt nói.
Ông Nguyễn Anh Nhựt cho rằng du lịch văn hoá lịch sử tâm linh là sản phẩm chủ lực thứ 2 của Côn Đảo
Tuy nhiên, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục du lịch Việt Nam cho rằng, Côn Đảo cần phát triển du lịch theo hướng bền vững, không nên đón khách bằng mọi giá. Bởi đây là di tích lịch sử quốc gia quan trọng. Nếu không giữ gìn vài năm nữa thì sẽ không ai tìm đến.
Dẫn chứng, ông Đức đưa ra thống kê lượng khách đến với Côn Đảo đã tăng 400% thời gian vừa qua. Nên việc mở 3 đường bay thẳng tới Côn Đảo sẽ là cú hích rất lớn cho ngành du lịch địa phương. Song dài hạn sẽ câu chuyện làm thế nào để phát triển bền vững mà vẫn giữ nguyên giá trị bản sắc, văn hóa.
Ông Phạm Việt Anh nhận định, Côn Đảo muốn phát triển thì cần nhanh chóng chọn một câu chuyện
Đồng quan điểm, ông Phạm Việt Anh, nhà báo du lịch cho rằng, Côn Đảo nên phát triển tập trung vào khách du lịch chi trả cao, khách cao cấp, tránh phát triển về số lượng. Tỉnh nên chọn hình thức du lịch trải nghiệm với những hoạt động bền vững bởi du khách ngày càng yêu môi trường hơn, văn minh hơn.
Ngoài ra, ông Việt Anh nhận thấy, Côn Đảo muốn phát triển thì cần nhanh chóng chọn một câu chuyện để truyền thông và định vị mình trên bình diện quốc tế. Ví dụ, Bali hoặc Maldives tự định vị là "thiên đường", Jeju tự gọi là hòn đảo của những vị thần - nơi có tiên cảnh, ẩm thực hấp dẫn.
Phản hồi về ý kiến này, ông Trịnh Hàng đánh giá ý tưởng này hoàn toàn cần thiết. Và địa phương hiện nay cũng đang đệ trình tên gọi "hòn ngọc Viễn Đông" với mong muốn thương hiệu Côn Đảo ngày càng phát triển.
Hoàng Dung