Fica
  1. Thời sự

Máy móc Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Hiện máy móc Trung Quốc nhập về Việt Nam trong 9 tháng qua đã tăng hơn 400 triệu USD so với cùng kỳ năm trước và hiện hàng máy móc của nước này chiếm khoảng 35% tổng giá trị nhập hàng công nghệ, máy móc nhập vào Việt Nam.

Giá trị nhập khẩu máy móc, công nghệ và thiết bị Trung Quốc gia tăng ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại qua lại giữa Mỹ - Trung Quốc đang bước vào giai đoạn quyết liệt khi hai nước trả đũa lẫn nhau về các mặt hàng công nghệ, máy móc liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Nhiều loại máy móc, thiết bị Trung Quốc nhập vào Việt Nam ở nhà máy đạm Ninh Bình

Nhiều loại máy móc, thiết bị Trung Quốc nhập vào Việt Nam ở nhà máy đạm Ninh Bình

Theo số liệu mới nhất được Tổng cục Hải quan cập nhật đến hết tháng 9/2018, cả nước chi hơn 24,6 tỷ USD nhập hàng máy móc, công nghệ và thiết bị nguồn cho công nghiệp, kim ngạch nhập khẩu giảm gần 90 triệu USD.

Điều đáng nói, trong 5 nước có kim ngạch nhập khẩu hàng máy móc lớn nhất vào Việt Nam, thì 4 nước còn lại đều giảm hoặc giữ ổn định, chỉ duy nhất kim ngạch nhập mặt hàng này từ Trung Quốc lại tăng 400 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, giá trị nhập mặt hàng của Trung Quốc đạt 8,6 tỷ USD, tăng hơn 400 triệu USD so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó nhập máy móc của Đức về Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 320 triệu USD so với cùng kỳ năm trước; giá trị nhập máy móc từ Hàn về Việt Nam giảm cực mạnh 2,3 tỷ USD.

Trong khi đó, giá trị nhập máy móc của Mỹ, Nhật về Việt Nam chững lại ở con số 700 triệu USD (Mỹ) và 3,2 tỷ USD của Nhật Bản.

Trên thực tế, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị của Trung Quốc vào Việt Nam luôn chiếm từ 30% tại Việt Nam trong 2 năm trở lại đây. Năm 2017, tổng kim ngạch nhập mặt hàng này cả nước đạt 33,8 tỷ USD, kim ngạch nhập mặt hàng này của Trung Quốc là gần 11 tỷ USD, chiếm hơn 32% so với kim ngạch nhập từ các thị trường khác.

Năm 2016, kim ngạch nhập máy móc của Việt Nam là hơn 28,5 tỷ USD, thì kim ngạch nhập mặt hàng này của Trung Quốc là 9,3 tỷ USD, chiếm trên 32%.

Nếu tính riêng 5 thị trường mà Việt Nam thường xuyên nhập khẩu máy móc, thiết bị lớn vào Việt Nam là Đức, Nhật, Hàn và Mỹ, Trung Quốc luôn duy trì trên 40% kim ngạch.

Cụ thể, năm 2016, trong 5 thị trường kể trên, giá trị hàng máy móc, thiết bị và công nghệ Trung Quốc nhập vào Việt Nam chiếm 43%, năm 2017 là 41%, 9 tháng đầu năm 2018 chiếm gần 47%, tỷ trọng này cùng kỳ năm 2017 chỉ là 41%.

Đáng chú ý, giá trị nhập hàng máy móc, công nghệ từ Trung Quốc chưa đánh giá được việc tỷ lệ máy móc Trung Quốc nhập vào Việt Nam bởi giá mỗi thiết bị, máy móc của Trung Quốc thường rẻ hơn so với các nước phát triển kể trên.

Chính vì thế, lượng hàng/đơn vị tính là cái, chiếc của máy móc, thiết bị, công nghệ của Trung Quốc nhập về Việt Nam có thể lớn hơn rất nhiều so với lượng hàng trên đơn vị tính từ các nước phát triển. Điều này khiến Việt Nam luôn ở trong tình trạng nhập siêu các loại máy móc dạng phổ thông, vòng đời sau, thậm chí những móc móc thế hệ cũ...

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định: "Mỹ nhằm vào nhiều loại hàng hoá có sở hữu trí tuệ, hàng máy móc, công nghệ từ Trung Quốc là biện pháp bảo vệ thị trường, nhưng việc này vô tình khiến hàng Trung Quốc xâm nhập vào các nước khác, trong đó có Việt Nam".

Nữ chuyên gia nhấn mạnh: "Tất nhiên, dung lượng và trị giá thị trường Việt Nam khó có thể tiếp nhận những hàng loại 1, hàng đắt tiền xuất Mỹ của Trung Quốc, nhưng có thể sẽ là hàng loại 2, hàng phù hợp túi tiền và không quá khắt khe về công nghệ của Việt Nam".

Máy móc, thiết bị Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc đầu tư ở lĩnh vực nhựa, gang thép, nhiệt điện, phân bón, cơ khí... nhập về. Các doanh nghiệp này nhập khẩu thiết bị, máy móc từ công ty mẹ để hoạt động ở Việt Nam. Đồng thời, do một số dự án đầu tư theo thoả thuận vốn vay, vốn ODA có lãi suất...của Trung Quốc tại Việt Nam như đường sắt, chế biến quặng.

Nguyễn Tuyền