Fica
  1. Thời sự

Mang hàng tỷ USD đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước lỗ nặng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tính đến hết năm 2018, các doanh nghiệp Nhà nước có 114 dự án đầu tư ra nước ngoài. Tổng số lỗ phát sinh trong năm 2018 của các dự án báo lỗ là 367 triệu USD, tăng 265% so với năm 2017.

Mang hàng tỷ USD đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước lỗ nặng - 1

Viettel và Tập đoàn Công nghiệp Cao su chiếm tỷ trọng lớn trong các dự án báo lỗ.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2018.

Theo báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2018 có 19 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối (Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư tại 114 dự án.

Các dự án đầu tư ra nước ngoài chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản và lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 11.964 triệu USD, trong đó 03 Tập đoàn đầu tư lớn nhất, gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đứng thứ nhất là 6.677 triệu USD (chiếm 56%), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) là 2.992 triệu USD (chiếm 25%), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là 1.429 triệu USD (chiếm 12%).

Trong đó, năm 2018, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần nhưng dự án đầu tư ra nước ngoài đã thực hiện đầu tư từ giai đoạn doanh nghiệp nhà nước nên vẫn tập hợp trong báo cáo này.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2018, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư vốn ra nước ngoài 194 triệu USD. Lũy kế đến ngày 31/12/2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện của 19 doanh nghiệp là 5.817 triệu USD (đạt 48,62%/tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài).

Doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất là PVN với số vốn đầu tư ra nước ngoài luỹ kế là 3.032 triệu USD (chiếm 49%), Viettel đứng thứ hai với 1.606 triệu USD (chiếm 26%), VRG đứng thứ 3 với 923 triệu USD (chiếm 15%).

Số tiền còn phải tiếp tục đầu tư ra nước ngoài so với vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của các dự án trên là 6.148 triệu USD (51,39%/tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài).

Đáng chú ý, trong năm 2018, các dự án đầu tư ra nước ngoài đã thu hồi được 559 triệu USD, trong đó chiếm tỷ trọng 60% là thu hồi vốn đầu tư (333 triệu USD), 38% là lợi nhuận chuyển về nước (212 triệu USD), 02% là thu tiền lãi từ việc cho các dự án tại nước ngoài vay vốn (14 triệu USD).

Lũy kế đến ngày 31/12/2018, 6/19 doanh nghiệp đã thu hồi vốn đầu tư từ các dự án tại nước ngoài với số tiền 2.594 triệu USD, bằng 45% vốn đầu tư đã thực hiện.

Về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ cho biết, năm 2018, các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài có 84/114 dự án phát sinh doanh thu, lợi nhuận với tổng doanh thu tại nước ngoài cả năm là 4.158 triệu USD, giảm 4% so với năm 2017, tổng lợi nhuận của các dự án có lãi là 187 triệu USD giảm 24% so với năm 2017.

Tổng số lỗ phát sinh trong năm của các dự án báo lỗ là 367 triệu USD tăng 265% so với năm 2017 (chiếm tỷ trọng lớn nhất là các dự án của Viettel với số lỗ phát sinh là 349 triệu USD, VRG với số lỗ phát sinh là 7,7 triệu USD) .

"Nhìn chung, lĩnh vực viễn thông, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ dầu khí, xây lắp và dịch vụ lưu trú có trên 60% các dự án phát sinh lãi; ngược lại, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và khai thác khoáng sản có tỷ lệ dự án lãi thấp, lần lượt là 17% và 11%", báo cáo nêu.

Ngoài ra, theo báo cáo, lĩnh vực viễn thông, trồng chế biến mủ cao su và lĩnh vực khai thác khoáng sản là 03 lĩnh vực còn nhiều dự án đang bị lỗ lũy kế với số lượng lần lượt là 11; 22 và 6 dự án.

Chính phủ đánh giá, so với năm 2017 tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận năm 2018 của hầu hết các lĩnh vực đều giảm. Trong đó, doanh thu giảm nhiều nhất trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (giảm 27%) và kinh doanh xăng dầu (giảm 23%) chủ yếu ảnh hưởng do sự biến động của giá dầu thế giới.

Lợi nhuận giảm nhiều nhất trong lĩnh vực viễn thông với số lỗ tăng là 349 triệu USD, nguyên nhân chủ yếu do đồng nội tệ mất giá cũng như tình trạng lạm phát tại nước đầu tư (như các nước Châu Phi, Trung Mỹ hoặc Đông Nam Á) và cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực viễn thông và lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su (giảm trên 40%).

"Đây cũng là hai lĩnh vực báo lỗ nhiều nhất trong năm 2018 với số lỗ tăng lần lượt là 349 triệu USD và 10 triệu USD do giá cao su tự nhiên thế giới sụt giảm sâu và ảnh hưởng của việc các quốc gia sở tại thay đổi chính sách đầu tư, đất đai (Lào, Campuchia)", Chính phủ cho biết.

Bên cạnh đó, Chính phủ nhìn nhận, nguyên nhân chủ quan chung dẫn đến kết quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn chưa đạt như kỳ vọng là khả năng dự báo thị trường, năng lực quản lý, năng lực tài chính và về kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài còn hạn chế.

Phương Dung

Tin liên quan