Phiên họp Hội đồng tiền lương Quốc gia sáng 5/8, tại Hà Nội.
Cần sự ổn định trong bối cảnh Covid-29
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH), Phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia hôm 5/8, đã đưa ra quan điểm chưa tăng lương tối thiểu vùng 2021 là một quyết định hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế.
Phân tích của bà Hương, việc điều chỉnh lương tối thiểu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Chi phí giá cả sinh hoạt, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng trưởng kinh tế, thực trạng thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp, khả năng chi trả của doanh nghiệp…
Nếu như mọi năm, tất cả các biến số này đều là dương nên việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là điều bình thường. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thị trường lao động tỷ lệ thất nghiệp tăng cao (đây là yếu tố âm), tổng các hệ số điều chỉnh thậm chí còn âm…
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH)
"Việc quyết định chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2021, theo tôi còn may mắn. Trường hợp khó khăn hơn, chúng ta thậm chí còn buộc phải chấp nhận điều chỉnh thấp hơn”, bà Lan Hương nói.
Câu chuyện đảm bảo việc làm cho người lao động trước hết phụ thuộc vào bài toán cân đối của doanh nghiệp và còn phụ thuộc vào tổng chi phí sử dụng lao động và doanh thu lợi nhuận mang lại.
Hai nhóm chính
Phân tích của bà Lan Hương cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp khó khăn làm ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo việc làm cho người lao động.
Người lao động lúc này tạm được chia thành hai nhóm: Nhóm lao động may mắn vẫn giữ được việc làm và nhóm lao động có nguy cơ mất việc hoặc bị sa thải.
(Ảnh: Nghiêm Long)
Theo bà Lan Hương - với nhóm lao động vẫn duy trì được việc làm, việc chưa được điều chỉnh tăng lương có thể xem là một thiệt thòi - vì lương có thể sẽ thấp hơn so với đà tăng giá.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, việc chấp nhận thực tế chưa thể tăng lương là một sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, để cùng vượt qua đại dịch, duy trì được việc làm và ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.
Với nhóm lao động bị sa thải hoặc có nguy cơ mất việc đa phần là nhóm lao động có trình độ thấp hoặc ở vị trí việc làm không phù hợp với kế hoạch phát triển tiếp theo của doanh nghiệp.
Trường hợp lao động thất nghiệp, hiện Nhà nước đã có chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có hỗ trợ đào tạo nghề để lao động có cơ hội sớm quay trở lại thị trường lao động.
“Tuy nhiên cả hai nhóm này, người lao động đều cần chú ý nâng cao trình độ kỹ năng, tay nghề để thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi của việc làm trong tương lai. Vì bối cảnh kinh tế dù phục hồi trở lại cũng sẽ không giống như trước khi có dịch Covid-19” - tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương lưu ý.
Hải An