Sáng nay (31/10), Quốc hội thảo luận tại nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội. Tại đây, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại về việc doanh nghiệp nước ngoài đang “làm mưa làm gió” ở Việt Nam thời gian qua.
GDP được trả bằng giá nào?
Đại biểu đoàn TPHCM Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề về mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thời gian qua và việc chạy theo con số GDP làm tiêu chí đánh giá : GDP được trả bằng giá nào? Với hệ luỵ gì? Được phân phối phân bổ như thế nào, có bền vững hay không?
“Không nên lấy con số GDP là yếu tố duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo, thành tích của địa phương.” - ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Vị đại biểu này dẫn chứng: Đối với vùng phên dậu của đất nước, yếu tố hàng đầu là sinh kế người dân, là ổn định đời sống, là bảo vệ môi trường, như vậy làm sao có thể chạy theo con số GDP, không lấy GDP để đánh giá được năng lực lãnh đạo vùng phên dậu được.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, để phát triển bền vững, song song với việc tạo ra tài sản hợp nhất, những giá trị vật chất, thì chúng ta phải định hướng xã hội, định hương công dân, định hướng các ngành và vùng miền vào 3 trụ cột con người là phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản.
“Nếu chỉ định hướng bằng tiên, cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài “ào ạt” vào để tăng GDP lên, nhưng cuối cùng chúng ta đánh mất chủ quyền, chúng ta lệ thuộc kinh tế nước ngoài, từ đó không thể tự chủ được.” - đại biểu đoàn TPHCM cho hay.
Doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ - cho biết: Trong 4 năm qua (từ 2016 - tháng 10/219), Việt Nam xuất siêu đạt 19,7 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng trưởng ngoại hối. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là trong tổng kim ngạch xuất khẩu có hơn 70% là đến từ doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
“Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương khi cấp phép đầu tư cần ưu tiên yếu tố an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ.” - ông Ngân cho hay.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới đang thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch, tạo ra rào cản thương mại, vì vậy Chính phủ cần quan tâm hơn nữa tới thị trường trong nước, triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiến tới Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam.
Đề cập tới chất lượng tăng trưởng kinh tế, ông Ngân dẫn chứng thu nhập bình quân của Việt Nam đang tăng gấp đôi so với năm 2010 (hơn 1.300 USD/người/năm), nay là hơn 2.700 USD/người/năm). Trong 5 năm qua, Việt Nam giữ ổn định kinh tế vỹ mô, kiểm soát liên tiếp trong 5 năm lạm phát dưới 4%, kéo giảm bội chi, xử lý nợ xấu, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia và an toàn hệ thống ngân hàng.
“Người dân vẫn tin tưởng vào hệ thống ngân hàng trong nước và gửi tiền vào ngân hàng. Tính tới tháng 7/2019, ngân hàng huy động nguồn vốn trên 8,2 triệu tỷ đồng, trong đó 4,7 triệu tỷ đồng là đến từ tiền gửi của người dân. Nhờ vậy, ngân hàng đã có nguồn vốn ổn định để cung ứng cho nền kinh tế, dư nợ tính đến cuối tháng 7 lên đến 7,8 triệu tỷ đồng, tương đương với 30% GDP.” - ông Ngân nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân
Về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng đang tác động nhiều chiều tới Việt Nam, vừa có thuận lợi và khó khăn.
Đáng chú ý, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc tăng cao, cán cân thương mại, diễn biến hàng hóa phức tạp. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm ngăn chặn hiệu quả. “Trong 10 tháng của năm 2019, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 62 tỷ USD, tăng hơn 16% dẫn đến nhập siêu từ thị trường Trung Quốc hơn 29 tỷ USD, cao hơn năm 2018.” - ông Ngân nêu rõ.
Vị đại biểu này cũng nhìn nhận, việc hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế cao trên thị trường Mỹ lại là điều kiện “giúp” hàng hoá Việt Nam vào thị trường này. Trong 10 tháng của năm 2019, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ, xuất siêu vào thị trường Mỹ tăng 37,9 tỷ USD.
Châu Như Quỳnh