Fica
  1. Thời sự

Lo “chết yểu” con đường thông thương với Trung Quốc!

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có vị trí quan trọng với vai trò là một đầu mối thông thương với kinh tế đối với Trung Quốc, tuy nhiên dự án này đang gặp rất nhiều trở ngại vì không có vốn.

Nêu lên vấn đề nói trên tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tại Quốc hội hôm nay (13/6), đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh những khó khăn về vốn và đề nghị được Chính phủ tháo gỡ.

Theo ông Thành, ngày 18/11/2017 trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với tinh thần sẽ hoàn thành vào năm 2020, tức là vào thời điểm năm nay.

“Cam kết này của Thủ tướng đã đem lại niềm tin và kỳ vọng rất lớn của nhân dân vì ý nghĩa và tầm quan trọng của tuyến cao tốc này đối với phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang mà cả Cao Bằng và các tỉnh phía Nam với vị trí, vai trò là Lạng Sơn là một đầu mối thông thương với kinh tế đối với Trung Quốc” - ông Thành cho hay.

Lo “chết yểu” con đường thông thương với Trung Quốc! - 1

Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kết thúc “chơi vơi” - cách TP. Lạng Sơn 30 km và cửa khẩu Hữu Nghị 43 km

Thực hiện cam kết, Thủ tướng đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ngân hàng nhà nước và UBND tỉnh Lạng Sơn cùng nhà đầu tư đã có những vận động tích cực để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng với mục tiêu hoàn thành công trình này.

Tuy nhiên, theo ông Thành, đến thời điểm hiện tại, dự án này gặp rất nhiều trở ngại. Hợp phần một từ Bắc Giang - Lạng Sơn 64km mới được hoàn thành và đi vào thực hiện năm 2019. Tuyến còn lại từ Chi Lăng - Hữu Nghị 43 km với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng chưa được tiến hành triển khai.

Chủ đầu tư đã huy động 424 tỷ đồng để giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, các chi phí kiểm đếm, những nội dung chuẩn bị cho đầu tư, đã bàn giao cắm mốc, đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 20% công trình.

“Hiện nay trở ngại của dự án là vốn không bố trí được” - ông Thành cho biết và thông tin UBND tỉnh Lạng Sơn đã có những kiến nghị về phương án, đề nghị là các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước tham mưu với Chính phủ để giải quyết vấn đề với phương án chuyển công trình này sang đầu tư công tư.

UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị chuyển ở mức đầu tư hiện nay là 8.310 tỷ đồng, nhà đầu tư góp 1.750 tỷ đồng, tỉnh Lạng Sơn cũng cam kết đóng góp đến 1.000 tỷ đồng, trong khi đó nguồn vốn Lạng Sơn rất ít. Ngân hàng BIDV đã cam kết hỗ trợ 2.000 tỷ đồng và đề nghị nhà nước sẽ sắp xếp để bố trí 2.160 tỷ đồng cho việc giải phóng mặt bằng các công trình phụ trợ như thực hiện với các công trình cao tốc khác. Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét bố trí cho vay 1.400 tỷ đồng.

Lo “chết yểu” con đường thông thương với Trung Quốc! - 2

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn)

Theo đại biểu đoàn Lạng Sơn, đây là một phương án rất hợp lí để có thể đưa công trình này vào xây dựng để bảo đảm hoàn thành tiến độ cũng như để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Với việc chuyển đổi này, phần vốn nhà nước cũng chỉ đóng góp vào khoảng 15%, tức là 1.000 tỷ đồng của Lạng Sơn và hơn 2.000 tỷ đồng của nhà nước, còn lại là của ngân hàng và của các nhà đầu tư.

“Đây là một công trình có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Lạng Sơn, Cao Bằng mà cả với các tỉnh phía Bắc. Đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết” - ông Thành kiến nghị trước Quốc hội.

Ngoài ra, đại biểu đoàn Lạng Sơn cũng đề nghị có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhất là các công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế như các tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đặc biệt là việc chuyển đổi đầu tư cho tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Châu Như Quỳnh