Fica
  1. Thời sự

Le lói thời Covid-19: Khẩu trang Việt "xuất ngoại", đơn hàng khủng triệu đô

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Dệt may chịu khủng hoảng chưa từng có trước đại dịch nhưng cũng tìm được cơ hội chưa từng có: Trở thành đại công xưởng khẩu trang của thế giới khi sự thiếu hụt mặt hàng này là rất lớn ở châu Âu, Mỹ.

Le lói thời Covid-19: Khẩu trang Việt xuất ngoại, đơn hàng khủng triệu đô - 1

Xưởng sản xuất khẩu trang vải của một doanh nghiệp Việt Nam.

Khẩu trang Việt Nam đi châu Âu, Mỹ

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để kinh doanh trong thời dịch Covid-19.

“Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ tìm các đối tác để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU và nhờ hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước thành viên EU liên hệ tìm đối tác”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết.

Theo tìm hiểu của Dân trí, nhiều doanh nghiệp Việt đã nhận được những đơn hàng rất lớn từ các đối tác nước ngoài.

Thông tin này thực sự là điều vui mừng đối với ngành dệt may việt Nam trong bối cảnh ngành công nghiệp tỷ đô này của Việt Nam đang chịu áp lực vô cùng lớn từ đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo may 10 chia sẻ, hiện có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD. Đồng thời, có đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu chiếc khẩu trang y tế.

Le lói thời Covid-19: Khẩu trang Việt xuất ngoại, đơn hàng khủng triệu đô - 2

Doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất khẩu trang, tận dụng cơ hội trong khó khăn.

Ngoài May 10, một số công ty khác cũng nhận được đơn hàng “xuất ngoại". CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) cho biết trước nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế tăng cao dẫn đến khả năng khan hiếm mặt hàng này, TNG đã tiến hành sản xuất khẩu trang với năng lực dự kiến 50.000-60.000 chiếc/ngày.

Riêng tại thị trường trong nước, sản xuất khẩu trang kháng khuẩn phục vụ chống dịch đã giúp doanh thu tiêu thụ nội địa của TNG trong quý vừa qua đạt 63,3 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Trong giai đoạn đầu bùng phát dịch và khan hiếm khẩu trang trên thị trường, việc sản xuất khẩu trang kháng khuẩn đã mang về kết quả rất khả quan cho nhiều doanh nghiệp. Thậm chí có công ty doanh thu tăng đột biến cả trăm phần trăm.

Ngoài khẩu trang, các doanh nghiệp may lớn trong nước cũng đã nghiên cứu và sản xuất thành công bộ quần áo bảo hộ y tế phòng dịch trong cuộc chiến phòng chống Covid-19, đồng thời mở ra hướng xuất khẩu mới cho doanh nghiệp trong bối cảnh ảm đạm vì dịch.

Theo thông tin do Cục Công nghiệp tổng hợp, chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Đại diện cơ quan này cho biết, nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản không quá khắt khe. Trước đây, doanh nghiệp phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Nhưng hiện nay một số doanh nghiệp, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định, đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước.

Do vậy, nếu có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay còn có thể nâng cao hơn nữa.

Nhanh chân, đừng để rơi cảnh “trâu chậm uống nước đục"

Đứng trước cơ hội rất lớn nhưng không hề dễ dàng, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý các doanh nghiệp, để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này.

Cơ quan này lấy ví dụ, dán nhãn CE (thích ứng với các quy định của EU) hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE – để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia.

“Việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào thì rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác”, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cảnh báo.

Chuyên gia Huỳnh Thế Du cũng cho rằng thiết bị y tế có thể là cơ hội của Việt Nam nhưng cần tận dụng nhanh chóng, coi chừng rơi vào tình trạng “trâu chậm uống nước đục”. Khi mình chuẩn bị xong thì dịch đã qua.

Cũng cho rằng xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ là một trong những cơ hội của Việt Nam thời điểm này cần tận dụng, giảm bớt khó khăn cho ngành dệt may và đỡ áp lực vấn đề thất nghiệp song theo TS. Quách Mạnh Hào, đây không phải là cơ hội mang tính chiến lược.

“Chúng ta có thể sản xuất và thậm chí đẩy mạnh xuất khẩu ở hiện tại nhưng đó không nên là một chiến lược tương lai. Không ai biết khi nào dịch xảy ra. Lấy một nhu cầu ngắn hạn để làm cơ sở cho một chiến lược dài hạn là một sai lầm”, ông Hào lưu ý.

Cần thận trọng nếu coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.

“Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít”, Cục Xuất nhập khẩu cảnh báo.

Các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải cũng cần lưu ý, thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, trước tình hình năng lực sản xuất khẩu trang vải được mở rộng trong khi thị trường trong nước đang dần bão hòa, Bộ đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các đầu mối, doanh nghiệp ở nước ngoài để giúp tiêu thụ sản phẩm khẩu trang vải.

Trước đó, báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 được Bộ Công thương gửi Thủ tướng mới đây cho thấy, các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, da giày (chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 90% là xuất khẩu) dự kiến số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của 2 ngành sẽ bị giảm khoảng 70%. Các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi của 2 ngành này hiện chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm.

Kỳ vọng trở thành “đại công xưởng" khẩu trang thế giới, ngành dệt may Việt Nam có thể sẽ bớt áp lực hơn nếu tận dụng được cơ hội xuất khẩu thời điểm này.

Nguyễn Mạnh

Tin liên quan