Fica
  1. Thời sự

Lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ rà soát dự án tại các thành phố lớn

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, đề xuất thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn các dự án đầu tư tại các trung tâm, thành phố lớn.

Nội dung trên được nêu rõ trong văn bản số 88/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hôm 28/4. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, đề xuất việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để rà soát, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của các dự án đầu tư tại các trung tâm, thành phố lớn.

Theo gợi ý của Thủ tướng, Bộ KH&ĐT có thể nghiên cứu đề xuất phân công Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.

Về tình hình của ngành KH&ĐT, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức khó lường, Thủ tướng cơ bản đồng tình với 5 khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, 6 vấn đề cần quan tâm giải quyết ngay để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển của năm 2021. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo, nghiên cứu, xử lý theo lộ trình phù hợp, hiệu quả các vấn đề này và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ biết.

Lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ rà soát dự án tại các thành phố lớn - 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP).

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT thực hiện nhiều giải pháp trong đó tập trung vào định hướng, tư tưởng chỉ đạo; coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và Đảng viên; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu, luôn có ý thức phấn đấu vì lợi ích chung, không cá nhân, lợi ích nhóm…

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực: xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch; đặc biệt là hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các vướng mắc thúc đẩy phát triển; xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển doanh nghiệp một cách khoa học, hợp lý để tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đóng góp cho đất nước, có cơ chế bảo vệ và chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia các dự án đối tác công - tư (PPP), đồng thời cũng đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Bộ KH&ĐT phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xây dựng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn và công cụ kiểm tra, giám sát; khẩn trương và tập trung nghiên cứu về phân cấp, phân quyền quản lý việc thành lập, đầu tư, mở rộng khu công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021.

Thủ tướng yêu cầu phân bổ và sử dụng nguồn lực Nhà nước hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Chấm dứt đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Rà soát, tháo gỡ về cơ chế chính sách để phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước để huy động nguồn lực hiệu quả, thực hiện 3 đột phá chiến lược, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ KH&ĐT cơ cấu lại nền kinh tế gắn với phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tích cực chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số một cách thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới tư duy trong quản lý Nhà nước về kinh tế, phát huy sáng tạo trên cơ sở bám sát thực tiễn đất nước. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, đa thành phần và hội nhập quốc tế sâu rộng gắn với bảo đảm minh bạch, hiệu quả, an ninh, ổn định, công bằng và tiến bộ xã hội.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT nắm chắc tình hình thực tiễn, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, đối sách ứng phó, thích ứng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả với các vấn đề phát sinh, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường; chủ động có giải pháp khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Châu Như Quỳnh