Fica
  1. Thời sự

Làn sóng dịch chuyển rút khỏi Trung Quốc: Vì đâu "ngon" nhưng không dễ xơi?

Ngày càng nhiều công ty muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc nhưng để dón dòng vốn này, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức.

Làn sóng dịch chuyển rút khỏi Trung Quốc: Vì đâu ngon nhưng không dễ xơi? - 1

Nhiều doanh nghiệp từ nước Mỹ, châu Âu đang tìm hiểu, lên kế hoạch xây chuỗi nhà máy cung ứng nguyên vật liệu, phụ liệu ở Việt Nam.

Cơ hội Việt Nam trong trật tự mới chuỗi cung ứng

Kinh tế Việt Nam đã và đang chịu nhiều tổn thất do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với cơ hội có thể tận dụng từ làn sóng đầu tư đang rút khỏi Trung Quốc, Việt Nam có nhiều hy vọng hơn trong trật tự chuỗi cung ứng mới toàn cầu.

Năm trước, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, các doanh nghiệp đa quốc gia đã rục rịch chuyển dòng vốn, chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc để giảm bớt rủi ro.

Theo ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái.

“Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong tương lai”, Tổng Giám đốc JLL nhấn mạnh.

Nói với Dân trí, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, một trong những kế hoạch hành động của Bộ đề cập đến nội dung rất quan trọng là đón nhận dòng vốn dịch chuyển đầu tư. Trong đó, có sự đánh giá từng lĩnh vực để xem xét mức độ phù hợp.

“Việt Nam có môi trường đầu tư vốn rất tốt. Được đánh giá 1 trong 10 môi trường đầu tư tốt ở châu Á”, ông Hải cũng nhắc đến việc kiểm soát rất tốt dịch bệnh ở Việt Nam hiện nay như một lợi thế đặc biệt trong mắt nhà đầu tư.

Hồi tháng 3/2020, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã buổi tiếp đoàn doanh nghiệp Cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC). Thành phần Đoàn Hoa Kỳ có sự sự tham gia của 28 công ty Hoa Kỳ thuộc các lĩnh vực năng lượng, hóa chất, ô tô, sản xuất, công nghệ, logistics, thương mại điện tử, đồ uống, y tế, dịch vụ tài chính…

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh việc Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành có liên để tìm giải pháp cho những quan ngại của các công ty Hoa Kỳ, tính toán đến lợi ích của các bên liên quan, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng phát triển lành mạnh, đạt hiệu quả cao tại Việt Nam.

Vừa qua một số doanh nghiệp Mỹ, châu Âu có tiếp cận thông tin doanh nghiệp Việt. Họ muốn hợp tác xây nhà máy để đón đầu cơ hội sau khi rời bỏ thị trường Trung Quốc.

Làn sóng dịch chuyển rút khỏi Trung Quốc: Vì đâu ngon nhưng không dễ xơi? - 2

28 công ty Hoa Kỳ thuộc các lĩnh vực năng lượng, hóa chất, ô tô, sản xuất, công nghệ, logistics, thương mại điện tử, đồ uống, y tế, dịch vụ tài chính... đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư.

Nói với Dân trí, ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Công ty CP Kết nối châu Âu - cho rằng cùng với cơ hội từ EVFTA, nếu tận dụng tốt “làn sóng thứ hai” này, nhiều ngành sẽ có hướng phát triển mới giúp tăng giá trị gia tăng.

Ông Thành chia sẻ, hiện nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam chủ yếu làm gia công. Điểm tích cực mà ông Thành nhắc tới, đó là nhiều nước Mỹ, châu Âu đang tìm hiểu, lên kế hoạch xây chuỗi nhà máy cung ứng nguyên vật liệu, phụ liệu ở Việt Nam.

“Vừa qua một số doanh nghiệp Mỹ, châu Âu có tiếp cận thông tin doanh nghiệp chúng tôi. Họ muốn hợp tác xây nhà máy để đón đầu cơ hội” - ông Thành nói.

Cơ hội là có nhưng muốn thu hút, không dễ!

Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cho biết, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.

Đại diện JLL Việt Nam cho biết, dữ liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy lượng hàng hóa Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam năm 2019 tăng 35,6% so với cùng kỳ, đối nghịch với mức giảm 16,2% trong lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Dữ liệu năm nay sẽ bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục.

“Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu”, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định.

Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam.

Cụ thể, đại diện JLL cho biết, mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc hiện cao gấp ba lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân nơi này cũng cao hơn.

Trong khi đó, một yếu tố được doanh nghiệp cực kỳ quan tâm là quy mô thị trường thì Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

“Quy mô của Trung Quốc không thể được nhân rộng: lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc còn cao hơn dân số Việt Nam. Hơn nữa, một khối lượng lớn ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc”, ông Stephen nhấn mạnh.

Không chỉ có những điểm kém cạnh tranh khi so sánh với thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều các đối thủ nặng ký khác ngay trong khu vực Đông Nam Á. Nói với Dân trí, Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, nhiều quốc gia khác đang muốn đón nhận dòng vốn này. Trong đó phải kể tới Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Cụ thể, Chính phủ Ấn Độ mới đây đã đưa một loạt ưu đãi để thu hút hàng nghìn công ty Mỹ rời Trung Quốc. Bloomberg đã trích lời một quan chức Ấn Độ cho biết trong tháng 4, chính phủ nước này đã tiếp cận hơn 1.000 công ty Mỹ và đưa ra các ưu đãi với các doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc. Nước này ưu tiên các hãng cung cấp thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, da và phụ tùng xe hơi...

“Ngoài Ấn Độ thì nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng rất mạnh. Và ngay chính đối với Trung Quốc, họ vẫn còn nhiều lợi thế hấp dẫn đối với nhà đầu tư khi quy mô thị trường họ quá lớn. Nói như vậy để thấy, chúng ta không được phép chủ quan. Bởi cơ hội là có, nhưng nó không chỉ dành riêng cho chúng ta”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.

Theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, những khó khăn thách thức trong quá trình thu hút đầu tư là không tránh khỏi. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh, việc thu hút phải tập trung, chọn lọc đối với những dự án công nghệ cao, phù hợp, đặc biệt tránh việc đưa những cái lạc hậu vào Việt Nam.

Một số chuyên gia trong nước cũng đã lên tiếng cho rằng: Việt Nam được cho là có nhiều cơ hội đón lấy sự dịch chuyển này tuy nhiên không nên kỳ vọng quá nhiều, cũng không nên ảo tưởng.

Đối với Việt Nam phát triển kinh tế nhờ thúc đẩy khu vực tư nhân trong nước mới là yếu tố quan trọng nhất. Việt Nam không được quá kỳ vọng vào dòng vốn rút đi từ Trung Quốc vì đó không phải là lợi ích cỗi lõi về lâu dài.

Nguyễn Mạnh