Dịch làm nông sản ách tắc… sàn thương mại điện tử "giải cứu"
Khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế các tỉnh, thành Tây khu vực ĐBSCL. Nhất là khi các tỉnh siết chặt việc đi lại của người dân và các phương tiện theo Chỉ thị 16 để kiểm soát dịch bệnh, vựa lúa, nông sản ĐBSCL rơi vào tình trạng ùn ứ cục bộ, hàng nghìn tấn nhãn, khoai, lúa… không có thương lái thu mua.
Ông Nguyễn Thành Trường - xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết, gia đình anh trồng 16 công (một công khoảng 1.000 m2) khoai lang tím Nhật. Trong lúc anh và nhiều hộ dân khác đứng ngồi không yên vì không tìm được đầu ra, anh được một tiểu thương đến mua khoai. Dù bán khoai với giá rẻ bèo 2.000 đồng/kg nhưng anh Trường thu ít tiền giống; còn phân thuốc, tiền công mất trắng.
Bà Nguyễn Kim Thảo - tiểu thương thu mua khoai lang trên địa bàn huyện Châu Thành cho biết, thấy hộ anh Trường và nhiều hộ dân trồng khoai bị ''nghẽn" đầu ra nên bà Thảo đứng ra thu mua rồi mang lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) bán. Khoảng một tháng qua, bà Thảo "giải cứu" gần 100 tấn khoai của người dân trên địa bàn huyện Châu Thành.
Bà Thảo cho biết: "Ban đầu cũng không biết sàn TMĐT là gì, nhờ cán bộ xã, huyện hướng dẫn mới biết cách đăng ký tài khoản rồi lên đó giao dịch. Bà con tham gia bán hàng trên chợ TMĐT nói vui là bán hàng trên chợ thương mại điện tử. Vì khi bán đâu ai thấy mặt ai, giao dịch qua mạng và điện thoại hết".
Bà Thảo cho biết thêm, hiện tại còn hàng trăm tấn khoai lang cần thu mua. Bà Thảo đang tiếp tục phối hợp với UBND xã tìm đầu ra cho bà con, để giúp bà con thu lại ít tiền giống, vì với giá bán hiện tại từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, người trồng khoai lang lỗ từ trên 10 triệu đồng/1.000 m2.
Còn ông Nguyễn Văn Ba - chủ nhiệm một HTX trồng nhãn trên địa bàn huyện Châu Thành "bỗng dưng" trở thành một thương lái cho sàn TMĐT Postmart.vn, khi thời gian qua ông thu mua và bán cho chợ điện tử này trên 100 tấn nhãn idol.
Ông Ba, chia sẻ: "Trở ngại khi bán hàng trên sàn TMĐT là công nghệ 4.0, vì nông dân như tôi gặp khó chuyện này. Nhưng sau đó, được tập huấn, con cháu chỉ dẫn nhưng thao tác, đến nay cách bán trên sàn TMĐT mới thấy dễ. Trở ngại thứ 2 là vốn, kế đến các thủ tục đăng ký xe, số nhân công với Ban phòng, chống dịch ở địa phương mới đi thu mua được".
Theo ông Ba, qua 2 tháng thu mua nhãn của người dân trên địa bàn huyện Châu Thành mang lên sàn TMĐT bán, các thành viên trong HTX của ông đã có lời, giúp các xã viên có chút tiền lương. Hiện tại, ông Ba và các thành viên đồng thuận và tiếp tục liên kết với chợ điện tử để bán hàng cho nông dân trong thời gian tới.
Tiếp tục đưa nông sản lên sàn TMĐT
Ngay khi biết nhiều mặt hàng nông sản bị ách tắc đầu ra, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cùng nhiều bộ ngành vào cuộc cùng lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân, như: Ưu tiên xe luồng xanh; thành lập Tổ công tác hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản…
Tại Đồng Tháp, ngoài việc UBND tỉnh này thành lập Tổ công tác hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản cho nông dân, UBND tỉnh còn giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các sở, ngành đưa nông sản nông dân lên sàn TMĐT để bán.
Theo báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp, tính đến ngày 28/8, tổng sản lượng hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua 2 sàn TMĐT hơn 297 tấn. Trong đó các loại nông sản được tiêu thụ mạnh gồm: nhãn (103,1 tấn), khoai (142 tấn), mít (12 tấn), chanh (23 tấn), cam - quýt (10,5 tấn), khoai môn (7 tấn)...
Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp còn cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại có 176 hộ nông dân tham gia 2 sàn TMĐT. Sắp tới, Sở này cùng các địa phương trên địa bàn Đồng Tháp tập huấn trên 70 hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia trên sàn TMĐT.
Sở này còn đặt ra mục tiêu phấn đấu hỗ trợ ít nhất 200 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT. Trong đó, 100% hộ được đào tạo, tập huấn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, 95% hộ có tài khoản bán hàng/gian hàng trên sàn TMĐT, 80% hộ có tài khoản thanh toán điện tử…
Được biết, khi tỉnh Đồng Tháp áp dụng Chỉ thị 16, kêu gọi người dân ở yên trong nhà chống dịch, Sở Thông tin và Truyền thông kết nối nhiều đơn vị cung cấp hàng hóa thiết yếu qua bưu điện Đồng Tháp, bưu chính viễn thông Viettel. Từ ngày 3/8 đến ngày 28/8 các đơn vị đã cung cấp hơn 13.100 đơn hàng đến tay người dân.
Trong tuần qua, các ngành chức năng Đồng Tháp đã hỗ trợ tiêu thụ trên 3.800 tấn nông sản, thủy sản. Riêng từ ngày 21 đến 22/8 đã tiêu thụ trên 770 tấn nông sản và trái cây, hơn 110 tấn thủy sản.
Ước tính trong tuần thứ 3 của tháng 8, các địa phương có khoảng trên 8.170 tấn nông sản, trái cây (Nhãn, chanh, bắp, khoai lang, kiệu v.v.) đến thời điểm thu hoạch và hơn 11.113 tấn thủy sản, nhiều nhất là cá tra với trên 10.720 tấn.
Nguyễn Hành - Trường Thịnh