Lo mất mục tiêu 4%
Theo báo cáo của SSI, tính chung 9 tháng, CPI đã tăng 3,2% so với cuối năm 2017 và trung bình tăng 3,57% so với cùng kỳ. Chỉ xét CPI so với cuối năm trước, 3,2% là mức cao nhất 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính khiến CPI tăng cao là giá lương thực, thực phẩm và giá dầu. Sâu xa hơn, đó là những mất cân bằng trong cung cầu ngắn hạn.
Về các nhân tố tác động đến chỉ số lạm phát trong những tháng cuối năm nay, SSI cho rằng, ẩn số khó đoán nhất là giá dầu. Xuất phát từ cuộc cấm vận của Mỹ với Iran, giá dầu thô thế giới đã tăng 32% so với đầu năm.
"Từ khi lệnh cấm vận giai đoạn 1 có hiệu lực (7/8/2018), sản lượng dầu của Iran đã giảm 380 nghìn thùng/ngày, tương đương xấp xỉ 10% sản lượng sản xuất của Iran trước khi cấm vận. Cũng trong thời gian này, giá dầu thô thế giới tăng 12%", báo cáo cho biết.
Theo SSI, việc dự đoán giá dầu trong những tháng cuối năm không dễ bởi các nước sản xuất dầu mỏ lớn không đưa ra các con số đáng tin cậy về sản lượng dầu mỏ.
Theo thống kê của Bloomberg, trong tháng 8 và 9, OPEC đã tăng sản lượng thêm 510 nghìn thùng/ngày còn Mỹ tăng sản lượng dầu đá phiến thêm 104 nghìn thùng/ngày. Về công suất dự trữ, riêng OPEC (trừ Iran) đã có khoảng 1.5 triệu thùng/ngày, đủ để bù đắp phần hụt đi từ Iran. Với các số liệu này, rất khó để giải thích nguyên nhân đằng sau sự tăng giá mạnh và liên tục của dầu thô trong năm nay.
"Trong các tác nhân có thể làm lạm phát tăng cao trong quý IV, lương thực và năng lượng (xăng, dầu, gas) là 2 nhóm mặt hàng cần phải quan tâm nhiều nhất. Việc quản lý giá gạo có phần đơn giản hơn do chúng ta có thể chủ động tích trữ và kiểm soát cung cầu. Với giá xăng dầu, do phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài khó kiểm soát, chúng ta cần phải sử dụng quỹ bình ổn kết hợp với tính toán thời điểm tăng giá để tránh gây áp lực dồn dập cho mùa cao điểm cuối năm", SSI cho biết.
Tăng thuế môi trường có thể làm lạm phát tăng 1,6%
Một báo cáo được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố đã đưa ra cảnh báo lạm phát năm 2018 khó đạt mục tiêu 4% và lo ngại về lạm phát năm 2019 cũng sẽ vượt xa mức 4%. Trong đó, theo VEPR, một vấn đề về lạm phát được người dân quan tâm nhất là giá mặt hàng xăng dầu.
Theo TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, thông thường, việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng sẽ kéo theo nhiều loại mặt hàng khác tăng theo do chi phí vận chuyển tăng lên. Trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục hồi phục thời gian qua, việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ năm sau sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới.
"Chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây”, ông Thành nói.
Theo tính toán sơ bộ của VEPR, riêng sự thay đổi về thuế bảo vệ môi trường, 1.000 đồng thuế tăng vào giá xăng có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng 1,6 điểm phần trăm trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao.
Đồng tình với tính toán của VEPR, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng đánh giá của Bộ Tài chính về tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ làm tỷ lệ lạm phát năm 2019 tăng khoảng 0,09 điểm phần trăm là “quá thấp, thiếu chính xác”.
"Việc đánh thuế vào xăng dầu còn kéo theo các tác động khác, ảnh đến nguyên vật liệu sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới giá hàng hóa và chi phí của doanh nghiệp. Thuế với mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến cả tiêu dùng hộ gia đình và doanh nghiệp”, TS Phạm Thế Anh nói.
Phương Dung