Fica
  1. Thời sự

Kinh tế toàn cầu đang bị đe doạ bởi một lý do ít ai nghĩ đến

Mai Chi
Mai Chi

Một vài quốc gia được dự báo bị ảnh hưởng nặng hơn vì nước biển dâng và biến đổi khí hậu là Ai Cập, Việt Nam và Surinam.

Chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới dẫn “Báo cáo các rủi ro toàn cầu năm 2020” phát hành ngày 16/1 của cơ quan xếp hạng Moody, nhấn mạnh hậu quả đối với ổn định xã hội và kinh tế bởi mực nước dâng và nóng lên toàn cầu.

Một vài quốc gia được dự báo bị ảnh hưởng nặng hơn, bao gồm Ai Cập, Việt Nam và Surinam. Khi nước biển có thể dâng lên 1 đến 3 mét đến năm 2100, bão và lũ sẽ ngày càng thường xuyên, tác động đến hệ sinh thái của nhiều quốc gia.

Các nền kinh tế phát triển như Hà Lan và Nhật Bản được cho là chuẩn bị tốt hơn so với các quốc gia kém phát triển trong việc đối phó với những thử thách này. 

Theo Moody “hậu quả kinh tế đối với các nước dễ bị ảnh hưởng sẽ là đáng kể do mất doanh thu, di cư và các vấn đề sức khỏe. Điều này có thể khiến đầu tư ở các quốc gia này trở nên kém hấp dẫn”.

Các ngành sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do mực nước biển tăng là nông nghiệp, du lịch và thương mại nói chung. Do đó các quốc gia phụ thuộc nhiều vào các lĩnh vực này sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Maldives được cho là có khả năng bị nhấn chìm vào cuối thế kỷ này, theo Ngân hàng Thế giới. Đồng bằng sông Nile, nơi sản xuất 60% lương thực của Ai Cập đang bị nhiễm mặn và mực nước cao hơn đe dọa sự sống còn của hàng triệu nông dân.

Vào tháng 7 năm 2019, Tổ chức Lao động Quốc tế đã cảnh báo 80 triệu việc làm có nguy cơ bị mất do sự ấm lên toàn cầu, chiếm gần 2,5 nghìn tỷ USD GDP. Tây Phi, Đông Nam Á, Mexico được cho là những khu vực có khả năng bị ảnh hưởng nhất.  

Báo cáo kết luận rằng vào năm 2030, “hơn 2% tổng số giờ làm trên toàn thế giới dự kiến sẽ bị mất hàng năm, bởi quá nóng để làm việc hoặc do công nhân phải làm việc với tốc độ chậm hơn”. Ở Đông Nam Á, số giờ làm việc bị mất do căng thẳng nhiệt được dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2030 từ năm 1995.

Nguồn: ILO ước tính, CTCK Rồng Việt

Chú ý: Dữ liệu được dựa trên các quan sát lịch sử và dự báo dự kiến mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu là 1,5 độ C vào cuối thế kỷ.

Theo chuyên gia VDSC, những dự báo này cho thấy chúng ta sẽ chứng kiến năng suất thấp hơn, thu nhập và lợi nhuận của công ty thấp hơn.

Điểm lưu ý cho các nhà đầu tư là một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao có thể phải đưa ra các điều khoản tốt hơn như tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) cao hơn để giữ và thu hút các quỹ. Một số quốc gia có hồ sơ ngân sách yếu như Ai Cập hoặc Tunisia có thể khó thu hút đầu tư.

Moody không phải là cơ quan duy nhất cảnh báo chống lại những rủi ro này. McKinsey gần đây cũng đã xuất bản một báo cáo nhấn mạnh các vấn đề cảnh báo toàn cầu về năng suất, du lịch và cơ sở hạ tầng. Theo Clarisse Magnin-Mallez giám đốc của công ty “105 quốc gia nên quan tâm đến tác động của sự nóng lên toàn cầu”.

Tóm lại, theo quan điểm của VDSC, mặc dù nhận thức của con người về các vấn đề nóng lên toàn cầu đã tăng lên trong vài năm qua, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm với nó. Các quốc gia phải thực hiện các chính sách nhằm giảm lượng khí thải carbon.

Mai Chi

Tin liên quan