Fica
  1. Thời sự

Kinh tế thế giới khởi sắc, hy vọng mới cho xuất khẩu của Việt Nam?

Không thể phủ định rằng Việt Nam sớm thành công trong việc kiểm soát đại dịch đang tạo cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ảnh minh hoạ

Thế giới đang mở cửa trở lại trên diện rộng khi người dân dần mất kiên nhẫn với lệnh cách ly xã hội mặc dù số ca nhiễm Covid-19 vẫn không ngừng tăng thêm.

Trong báo cáo vừa mới công bố, các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng, hoạt động kinh tế đang tiến tới trạng thái "bình thường mới" và thị trường bắt đầu tập trung vào các số liệu thống kê kinh tế sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ. Thú vị rằng ngày càng có nhiều dữ liệu kinh tế sơ bộ tốt hơn so với dự báo trước đó của các nhà kinh tế.

Các dự báo này đều phản ánh quan điểm bi quan về triển vọng kinh tế dựa trên dữ liệu trước/trong giai đoạn phong tỏa. Trong khi hoạt động sản xuất đang hồi phục và tiến sát ngưỡng "mở rộng", các nhà cung cấp dịch vụ cũng lạc quan về tiềm năng tiêu dùng của người dân nhờ khoản "tiết kiệm bắt buộc" và các gói kích thích mạnh tay của chính phủ các nước.

Tại châu Âu nơi đường cong dịch bệnh đang được làm phẳng, các quốc gia đang nỗ lực tái khởi động nền kinh tế cũng như kế hoạch mở cửa biên giới và chào đón khách du lịch quốc tế.

Theo khảo sát của Markit, nền kinh tế EU trong tháng 6 ghi nhận tháng hồi phục thứ hai liên tiếp do lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đã được nới lỏng hơn. Chỉ số PMI tổng hợp đã tăng lên 47,5 điểm trong tháng 6 từ 31,9 điểm trong tháng Năm.

Việc nới lỏng các lệnh phong tỏa đã giúp các doanh nghiệp mở cửa và thúc đẩy nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ. Đáng chú ý, tâm lí kinh doanh được thúc đẩy khi số người lạc quan, ở cả hai khu vực sản xuất và dịch vụ, nhiều hơn số người bi quan, lần đầu trong bốn tháng gần đây.

Trong số các thành viên của khối, Pháp là nước dẫn đầu với sản lượng sản xuất lần đầu tiên tăng kể từ tháng Hai. Chỉ số sản lượng của Pháp phục hồi mạnh lên 51,3 điểm trong tháng 6 sau khi giảm xuống 32,1 điểm trong tháng Năm. Tăng trưởng sản lượng trong cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Tại Mỹ, đà sụt giảm của khu vực tư nhân đang chậm lại khi các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại với quy mô lớn hơn. Chỉ số PMI sản xuất tăng lên 46,7 điểm trong tháng 6, từ 37,5 điểm tháng 5.

Chỉ số PMI dịch vụ tăng tương tự. Kết quả này chủ yếu số lượng đơn hàng mới cải thiện. Các doanh nghiệp đang kỳ vọng hoạt động sẽ trở lại nhanh chóng như trạng thái trước đại dịch.

Trong tuần trước, dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ tạo bất ngờ tích cực khi tăng 17,7% mom trong tháng 5 sau khi giảm mạnh 15% mom một tháng trước đó. Trong khi tiết kiệm bắt buộc kích thích người dân chi tiêu, các gói kích thích lớn góp phần thúc đẩy điều này.

Chuyên gia VDSC đánh giá, những số liệu kinh tế tốt hơn mong đợi kể trên đã gieo niềm hy vọng cho xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2020.

Không thể phủ định rằng Việt Nam sớm thành công trong việc kiểm soát đại dịch đang tạo cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn vào số liệu nhập khẩu trong nửa đầu tháng 6/2020, VDSC nhận thấy có một tín hiệu tích cực. Nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ so với các tháng trước, trong cả hai khu vực doanh nghiệp trong nước và FDI. Việt Nam chi hơn 10 tỷ USD cho hàng nhập khẩu, tăng 11% so với tháng trước.

Điện, điện tử và máy móc dẫn đầu tăng trưởng khi chi tiêu cho nhóm này tăng 17,7% so với tháng trước và 20,8% so với cùng kỳ trong nửa đầu tháng 6/2020. Các công ty công nghệ lớn bắt đầu tung ra các thiết bị mới. Các nhà sản xuất Việt Nam sắp bước vào mùa bận rộn nhất trong năm. Trong quý 4/2017 hoặc quý 1/2020, Việt Nam đã từng ghi nhận tốc độ xuất khẩu tăng đột biến.

"Vì vậy, đã đến lúc phải hỏi rằng liệu các nhà kinh tế sẽ điều chỉnh lại dự báo của họ? Có lẽ, họ nên nghiêm túc xem xét vấn đề này. Theo chúng tôi, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 5% vào năm 2020" - báo cáo của VDSC kết luận.

Mai Chi