“Mua bán ngược” từ thương nhân sang đầu mối
“Tình trạng doanh nghiệp xăng dầu đầu mối không nhập khẩu, không đảm bảo hạn mức dự trữ nhưng vẫn bình an vô sự hết năm này sang năm khác chắc chỉ có ở Việt Nam. Có doanh nghiệp đầu mối không có nguồn, phải mua xăng dầu "ngược" từ các thương nhân phân phối. Đây cũng là điều hy hữu”, một chuyên gia trong ngành xăng dầu nói với PV Tiền Phong về những bất cập trong cấp phép, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối hiện nay.
Một trường hợp điển hình trong mua bán ngược xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, là của Công ty Cổ phần Anh Phát Petro (gọi tắt là Công ty Anh Phát, địa chỉ tại Thanh Hoá). Công ty này được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu năm 2019.
Là doanh nghiệp (DN) đầu mối nhưng chỉ trong 1 năm kể từ sau khi cấp phép, Công ty Anh Phát bị phát hiện cùng với việc ký hợp đồng và thực hiện mua xăng dầu từ nguồn nhập khẩu, công ty đã mua từ các nguồn trong nước. Trong số đó có cả mua lại từ các đầu mối và thương nhân phân phối khác như Công ty Xăng dầu khu vực II; Công ty Cổ phần Tập đoàn Dương Đông; Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phúc; Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương...
“Nhiều công ty không phải là đầu mối, thương nhân phân phối nên việc họ bán xăng cho Công ty Anh Phát là không đúng theo Nghị định 83 và Thông tư 38 về kinh doanh xăng dầu”, kết luận của đoàn thanh tra Bộ Công Thương mới đây nêu rõ. Thanh tra cũng phát hiện, Công ty Anh Phát không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
DN đầu mối mua xăng của DN bị rút giấy phép
Trong danh sách các DN xăng dầu đầu mối có nhiều vi phạm, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát (Quảng Bình) là trường hợp mà nhiều DN xăng dầu khác tò mò muốn tìm hiểu. Công ty này được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu số 22/GPXD-BCT ngày 13/8/2018, có hiệu lực đến ngày 13/8/2023.
Điều thú vị với trường hợp công ty này chính là, khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Công ty Hưng Phát là DN đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng không nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu. Cùng với đó, công ty cũng có hàng loạt hoạt động kinh doanh khá khó hiểu khi thực hiện phân phối xăng dầu qua hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu, không thực hiện việc giao đại lý xăng dầu; không thực hiện bán cho thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối khác và các đơn vị trực tiếp sử dụng xăng dầu phục vụ sản xuất. “Ngoài ra, công ty này không xuất khẩu; tạm nhập, tái xuất; chuyển khẩu xăng dầu”, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương nêu.
Những năm trước, nhiều đơn vị lao vào xin giấy phép kinh doanh xăng dầu vì nếu tham gia làm giả xăng dầu, DN sẽ trốn được 4.000 đồng/lít tiền thuế môi trường, chưa kể trốn được 42% các loại thuế, phí tương ứng với khoảng 4.000 đồng/lít. Tính chung, DN sẽ “ăn” được ít nhất 8.000 đồng tiền thuế, phí mỗi lít xăng dầu”. Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu lớn chia sẻ |
Điều kỳ lạ nữa là khi kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện công ty này có sở hữu kho để tiếp nhận xăng dầu, cầu cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu chở xăng dầu nhưng đang bị hư hỏng, tạm ngưng hoạt động từ tháng 1/2021 và thực hiện thuê vận chuyển xăng dầu. Đến này 26/7/2022, Công ty Hưng Phát bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng.
Còn về tình hình kinh doanh, Công ty Hưng Phát cũng bị thua lỗ và âm vốn dù có nhiều năm đạt doanh thu ngàn tỷ đồng. Tới ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Công ty Hưng Phát vẫn âm 132 tỷ đồng.
Một trường hợp vi phạm đặc thù khác là Công ty Cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm, do ông Nguyễn Quý Lộc làm Tổng giám đốc. Là đầu mối nhưng công ty này lại nhập hàng từ hai công ty con thuộc Tổng Công ty Dầu PVOil (gồm Công ty Xăng dầu khu vực 2 và Công ty Xăng dầu Kiên Giang) mặc dù 2 công ty này không phải thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối. Việc các doanh nghiệp này bán xăng cho Công ty Phúc Lâm được xác định là không đúng quy định.
Theo Phạm Tuyên
Tiền Phong