Trong báo cáo gửi tới các đại biểu tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu tình hình thực tại và phương hướng khắc phục một số nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động văn hóa thể thao và du lịch.
Người đứng đầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, hoạt động mê tín dị đoan ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh nhiều đối tượng lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để trục lợi, lừa bịp. Tuy nhiên, hiện nay còn thiếu văn bản pháp luật có địa vị pháp lí cao đủ sức răn đe để phòng ngừa mê tín, dị đoan hiệu quả.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ đề xuất Chính phủ ban hành văn bản quản lý nguồn thu từ các hoạt động tín ngưỡng
Hơn nữa, công tác tuyên truyền định hướng dư luận xã hội về việc lên án các hành vi mê tín, dị đoan để trục lợi không đạt hiệu quả cao. Hàng năm, tình trạng đốt vàng mã, bói toán, thỉnh vong vẫn diễn ra phổ biến.
Thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đẩy mạnh quản lý hoạt động mê tín, dị đoan; Vạch trần thủ đoạn lừa bịp “buôn thần, bán thánh”, xử lý nghiêm minh những kẻ lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Bộ này sẽ đề xuất Chính phủ và các bộ ngành liên quan ban hành văn bản pháp luật về tài chính và tôn giáo, tín ngưỡng. Theo đó quản lý các nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng và du lịch tâm linh gồm 3 nguồn chính là phí tham quan, phí dịch vụ hỗ trợ, tiền công đức.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đề xuất tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức trong các khu di tích có gắn với công trình tôn giáo, tín ngưỡng; đề xuất cơ chế thanh tra, kiểm tra hoạt động thu chi và quản lí nguồn thu tại các di tích, danh lam thắng cảnh.
Quang Phong